Sản phẩm một thời tiến vua
Sản phẩm bánh đa nem của người dân làng Chều.
- Theo tìm hiểu, gia phả của làng, vào năm 1349 ( đời Trần Dụ Tông), trong làng có gia đình cụ Trần Văn Hám làm nghề xay xát gạo. Lúc bấy giờ dân làng khó khăn, gạo làm ra tiêu thụ chậm nên cụ đã nghĩ ra một cách là ngâm gạo xong giã nhuyễn thành bột nước và hấp lên nồi nước sôi đến khi nước bột thành bánh mới đem ra phơi nắng, sản phẩm đó được gọi là bánh đa nem. Rồi, cụ truyền dạy việc này cho dân làng và đến nay, theo truyền thống của làng cứ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm dân trong làng đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ tới ông tổ nghề tại Đình làng.
Nguyên liệu của bánh đan nem làng Chều được làm từ gạo tẻ, được lựa chọn một cách kỹ lưỡng để chất lượng bánh được đảm bảo. Rồi trải qua nhiều công đoạn, từ ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những chiếc phên tre và cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm.
Nhưng điều quan trọng là ở bí quyết pha chế nguyên liệu khi gạo được giã thành bột nước. Mỗi nhà, mỗi gia tộc đều có bí quyết riêng, nhà thì dùng muối để bánh đa thêm mặn mà, nhà lại dùng rượu để sản phẩm dẻo hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ở khâu tráng bánh. Với kinh nghiệm, họ biết ở nhiệt độ nào thì sản phẩm chín tới và nhiệt độ nào để bánh đa nem có được màu sắc trắng sáng và giữ được hương thơm của gạo… Bên cạnh đó, khâu phơi bánh cũng là một khâu hết sức quan trọng, khi đem phơi cần có đủ nắng, nếu không bánh sẽ ỉu và thiếu độ trắng cần thiết, nhưng nếu dư nắng, bánh sẽ cứng và nứt. Vì vậy, công đoạn phơi bánh đa nem là một công đoạn khá công phu, cầu kỳ. Những chiếc bánh đa nem dưới bàn tay của người “nghệ sỹ” làm bánh được làm ra với màu bánh trắng, mềm và có độ dẻo cao, thơm mùi gạo.
Bánh đa nem làng Chều trước khi đưa vào sử dụng về cơ bản có hai loại là bánh đa nem vuông và bánh đa nem tròn. Loại vuông được chủ yếu tiêu thụ trong vùng và lân cận, loại tròn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều các thành phố lớn, hoặc các siêu thị trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài... Hằng năm, cứ vào tháng 11 âm lịch là thời điểm bánh được chuyển đi khắp mọi miền đất nước để người dân sắm sửa, chuẩn bị cho những món ăn ngon trong dịp Tết; giá bán lại rất rẻ, chỉ 10.000đồng/100 lá bánh.
Mỗi ngày làng Chều xuất ra thị trường trên 100 tấn bánh đa nem. Làng cũng giải quyết cho tất cả lao động địa phương và thu hút nhân công từ nhiều vùng khác. Từ làng Chều, hiện nay nghề làm bánh đa nem đã phát triển tới 13/20 xóm ở xã Nguyên Lý, đem lại cho làng nghề gần 200 tỷ đồng/năm.
Nhằm bảo vệ kết quả của quá trình khôi phục và giữ gìn nghề truyền thống cho địa phương, doanh nghiệp… Năm 2010, Sở KH - CN tỉnh đã triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể bánh đa nem làng Chều”. Dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Năm 2011, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh bánh đa nem làng Chều đã được thành lập với 52 hội viên là các hộ, cơ sở sản xuất của xã Nguyên Lý, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm bánh đa nem. Hiệp hội đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh đa nem làng Chều” tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày 18/10/2011, Cục đã ra Quyết định số 40489/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 173772 cho nhãn hiệu tập thể “ Bánh đa nem làng Chều kinh doanh (mua và bán) sản phẩm bánh đa nem. Theo đó, tất cả các thành viên của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều thuộc địa bàn xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sẽ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể "bánh đa nem làng Chều" cho sản phẩm bánh đa nem.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử bánh đa nem Nguyên Lý vẫn tồn tại và phát triển, đây cũng là nét đẹp văn hoá của một làng nghề truyền thống. Ý thức xây dựng thương hiệu với sản phẩm mình làm ra để làng nghề 700 năm tuổi tìm lại được chính danh và không bị mai một theo thời gian.
Kim Tuyến