Đa dạng các hoạt động
Nhà báo Trần Bá Dung cho hay, đến chiều 14/3, các hoạt động mang tính chất phục vụ cho công tác tổ chức đã hoàn tất, từ công tác tổ chức đến âm thanh, ánh sáng, mặt bằng… Năm nay, Hội Báo toàn quốc thu hút 74 gian trưng bày của 112 đơn vị, cấp hội cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm quan gian trưng bày của Vuasanca tại Hội Báo toàn quốc 2018 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước sẽ đến dự khai mạc hội báo vào sáng 15/3. Các nội dung hoạt động cụ thể của ngày khai mạc, bế mạc cũng đã chuẩn bị xong.
Năm nay, nội dung trong Hội Báo toàn quốc khá phong phú. Nhiều hội thảo, diễn đàn, giao lưu như Hội thảo nhà báo Huỳnh Văn Tiểng và báo chí cách mạng Việt Nam; Hội thảo báo chí với công tác truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử; Diễn đàn báo chí - cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ; Tọa đàm giao lưu các nhà báo… Trong khuôn khổ hội báo cũng có Triển lãm sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc; Triển lãm Ảnh Hà Nội; Khai mạc phòng trưng bày triển lãm 70 năm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng…
“Điểm mới năm nay là ngoài hoạt động trưng bày, các cơ quan báo chí còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút các đối tượng độc giả của các cơ quan báo chí tham gia giao lưu tương tác. Các chương trình phát thanh truyền hình được thực hiện tại chỗ cũng là dịp giao lưu rất thiết thực và sinh động với người làm báo” - Nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ.
Song song với hoạt động trao 6 giải nghiệp vụ như năm trước, Hội Báo toàn quốc 2019 còn tổ chức trao các hạng mục giải như Giải báo chí viết về tài nguyên môi trường; Chương trình phát thanh, truyền hình ấn tượng… nhằm động viên kịp thời người làm báo. Với sự tham gia ngày càng đông đảo của các cơ quan báo chí và các tác phẩm chất lượng, đây còn là dịp giao lưu, trao đổi nghiệp vụ hữu ích giữa các cơ quan báo chí.
Đề cao trách nhiệm của người làm báo
Khác với chủ đề của 3 năm trước là “Báo chí Việt Nam đồng hành với đất nước đổi mới”, năm 2019, Hội Báo toàn quốc lấy chủ đề “Đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân”. Nhà báo Trần Bá Dung nhấn mạnh, trong những năm qua, bên cạnh những nhà báo tiếp tục phát huy được tinh thần cống hiến, phục vụ tốt cho lợi ích cộng đồng, đất nước, trở thành những tấm gương sáng, thì cũng có một bộ phận nhà báo, những người mang danh nhà báo có những sai phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm cả đạo đức nghề nghiệp. Điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thanh danh của những người làm báo chân chính. Từ đó, vấn đề nêu cao đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu, gắn với trách nhiệm làm nghề trở thành vấn đề nóng bỏng, sống còn của báo chí nước ta.
Chính vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016 đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hơn 2 năm qua, những hiệu quả bước đầu của việc làm này đã được khẳng định trong hoạt động báo chí nước ta. Báo chí của Việt Nam đang hoạt động có kỷ cương hơn, có nền nếp hơn và đạo đức nghề nghiệp được nêu cao hơn.
Trách nhiệm của người cầm bút gắn với đạo đức nghề nghiệp, vai trò, trách nhiệm với mỗi tác phẩm báo chí là nhiệm vụ quan trọng của người làm báo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Điểm nhấn này sẽ được thể hiện rõ nét trong Hội báo Toàn quốc 2019 thông qua các ấn phẩm, các chương trình đặc sắc.
“Chủ đề “đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân” cũng là lời khẳng định của giới báo chí nước nhà về trách nhiệm của người làm báo trước Đảng, nhân dân” - Nhà báo Trần Bá Dung nhấn mạnh.
Hội Báo toàn quốc năm 2019 sẽ diễn ra liên tục từ ngày 15 - 17/3, tại Bảo tàng Hà Nội.