CôngThương - Theo báo cáo sơ bộ tình hình sản xuất - kinh doanh 9 tháng năm 2011 của Vinacomin, hàng loạt loại thuế tài nguyên, xuất khẩu, phí các loại đã tăng lên 5.600 - 5.700 tỷ đồng. Giá các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như: xăng dầu, sắt thép… tăng không ngừng, khiến chi phí sản xuất than tăng đáng kể. Nhiều khả năng, chi phí đầu vào cho sản xuất than dự kiến cả năm 2011 sẽ tăng 9 - 10%. Trong khi đó, giá than nội địa từ đầu năm đến nay chỉ tăng bình quân khoảng 270.000 đồng/tấn.
Một khó khăn khác của Vinacomin là các dự án đầu tư xây dựng mỏ hầm lò mới đòi hỏi một lượng vốn khổng lồ và mất nhiều thời gian. Để xây dựng một mỏ mới cần phải mất khoảng thời gian 4 - 5 năm, thậm chí 6 - 7 năm mới có thể ra than và vài năm sau đó mới có thể đạt công suất thiết kế. Thời gian kéo dài như vậy khiến lượng vốn lớn trượt nhanh theo chiều hướng giá ngày càng tăng. Ví như, dự án hầm lò Hà Lầm được phê duyệt vào năm 2007 với tổng kinh phí đầu tư 2.200 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa thực hiện đã phải điều chỉnh lên đến 8.700 tỷ đồng (gấp gần 4 lần). Tính ra suất đầu tư của Hà Lầm là 170 USD/tấn than. Dự án Khe Chàm II-IV đang triển khai thực hiện có số vốn đầu tư khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng. Dự án hầm lò Núi Béo sắp tới đây cũng có thể nằm trong tình trạng phải điều chỉnh tổng kinh phí đầu tư lên gấp nhiều lần như vậy.
Khó khăn như vậy, nhưng với trọng trách là nhà cung cấp nguồn năng lượng quan trọng hàng đầu cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Vinacomin luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao. Mặc dù hiện nay, Vinacomin còn bị tồn đọng một lượng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thanh toán, nhưng số lượng than cung cấp cho ngành điện vẫn được cung ứng kịp thời theo kế hoạch từng tháng, cũng như cả năm 2011 là 11 triệu tấn vẫn được đảm bảo. Thậm chí, do nhu cầu cần bổ sung khi một số nhà máy nhiệt điện mới đi vào hoạt động, Vinacomin vẫn cung ứng cho EVN thêm 500.000 tấn than trong năm nay. Các đối tượng khách hàng khác có nhu cầu, cũng đều được cung cấp than đầy đủ.
Theo kế hoạch, năm nay Vinacomin sẽ sản xuất khoảng trên 47 triệu tấn than nguyên khai, cung cấp cho thị trường hơn 44,5 triệu tấn than sạch và toàn bộ lượng than đó sẽ được cung ứng hết. Dự báo những năm tới, nhu cầu tiêu dùng than trong nước tiếp tục tăng. Như vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng than, Vinacomin phải tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng càng đầu tư nhiều, Vinacomin càng giảm lãi, thậm chí đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, nếu như cán cân đầu vào, đầu ra không được điều chỉnh kịp thời.