Doanh số bán thực phẩm hữu cơ vẫn chưa cao như kỳ vọng của doanh nghiệp |
Theo Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), hiện nay, xu hướng thế giới đang chuộng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Thực tế này đòi hỏi các DN Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng phải thay đổi để thích ứng.
Trước bối cảnh đó, nhiều DN đã và đang đầu tư sản xuất thực phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, các DN trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất xanh của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn do hạn chế về tài chính, máy móc công nghệ lạc hậu, giá thành sản phẩm cao, chưa tiếp cận số đông người tiêu dùng…
Chủ nhiệm HTX Sản xuất rau sạch tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ, sản xuất được sản phẩm sạch đúng nghĩa đã khó khăn, nhưng tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm không hề dễ. Để sản phẩm có chứng nhận thực phẩm sạch, an toàn, DN phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc, quy trình sản xuất phức tạp… nên giá thành cao hơn sản phẩm thông thường. Vì lẽ đó, số đông người tiêu dùng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vẫn chưa coi sản phẩm nông nghiệp sạch, giá cao là lựa chọn hàng đầu.
Ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) - nêu thực tế: Satrađã tham gia vào sản xuất nông nghiệp sạch ở khâu nuôi trồng (nuôi heo, trồng lúa, xoài) và sản xuất hàng tươi sống. Trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, trong đó khó nhất là chi phí sản xuất xanh rất nghiêm ngặt và tốn kém nên giá thành sản phẩm cao, khó tiêu thụ. Đơn cử như sản xuất gạo organic, thời gian sản xuất kéo dài, chi phí nhiều, giá thành phải bán trên 30.000 đồng/kg mới đủ chi trả cho DN. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn, dù đã được tỉnh An Giang hỗ trợ về đất đai nhưng DN phải ngừng thực hiện.
Dù không đến mức phải dừng hoạt động như SATRA song quá trình sản xuất, thực phẩm organic của Saigon Co.op khá gian truân. Ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - chia sẻ, so với các DN khác, Saigon Co.op có lợi thế về hệ thống phân phối nên khi đầu tư vào sản xuất thực phẩm organic bớt áp lực chi phí hơn. Tuy nhiên, hiện có rất ít đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ nên thiếu đơn vị đủ năng lực để hợp tác. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn chưa nhận biết đầy đủ, chính xác, phân biệt rõ đặc điểm của nông nghiệp hữu cơ so với truyền thống và những lợi ích mang lại.
Để hướng đến sản xuất xanh, giảm chi phí giá thành, các DN cho rằng, ngoài việc chấp nhận đầu tư và chịu lỗ trong giai đoạn đầu, rất cần tới sự chung sức của cộng đồng, bao gồm cơ quan quản lý, người nông dân và người tiêu dùng.
Ước tính, giá các loại thực phẩm organic bán trên thị trường nội địa hiện nay từ nông sản, rau, gạo, thủy sản, sữa… có mức giá cao hơn các sản phẩm cùng loại thông thường từ 30 - 40%, nên sản phẩm dù tốt, an toàn vẫn khó tiêu thụ đại trà vì chưa phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng Việt. |