CôngThương - Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh rằng IAI sẽ là một cơ chế để các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) nhằm đạt được những kết quả mà Lộ trình tổng thể AEC đã đề ra. Các nước ASEAN-6 sẽ cung cấp các nguồn lực để thực hiện những hoạt động trong khuôn khổ của IAI, đồng thời hỗ trợ song phương trực tiếp cho các nước CLMV. Bên cạnh các nước CLMV là đối tượng chính mà IAI hướng tới, hoạt động của IAI còn được thực hiện trong một số nhóm tiểu vùng như Tiểu vùng sông Mê kông, khu vực phát triển Đông ASEAN gồm Brunây, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP-EAGA) và Tam giác phát triển Indonesia, Malaysia và Thái Lan (IMT-GT)...
Hiện ASEAN đang tích cực triển khai các sáng kiến đã xác định trong khuôn khổ IAI, đồng thời xác định các mối liên kết giữa các kế hoạch, chương trình để phối hợp, tăng cường hiệu quả hợp tác. |
Chương trình làm việc IAI lần thứ nhất (2002-2008) được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 vào năm 2002, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; công nghệ thông tin và viễn thông.
Chương trình làm việc lần thứ hai (2009-2015) được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 (năm 2009) tập trung vào các chương trình xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng.
Thông qua hai chương trình làm việc, IAI hết sức chú trọng đến xây dựng năng lực và phát triển cơ sở hạ tầng, những vấn đề cốt lõi mang tính thúc đẩy đối với quá trình phát triển. Kết quả thực hiện hoạt động trong khuôn khổ IAI cũng cho thấy nỗ lực của các nước ASEAN và sự quan tâm của các nước đối tác và các tổ chức phát triển. Mặc dù đối tượng hưởng lợi chính của IAI là các nước CLMV, nhưng mục tiêu hướng tới việc xây dựng một cộng đồng ASEAN trong đó có sự phát triển đồng đều, có lợi thế cạnh tranh và hội nhập toàn diện sẽ mang lại lợi ích cho khu vực nói chung, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ASEAN và các nước trên thế giới.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 tháng 11/2011, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thúc đẩy trụ cột thứ 3 về phát triển kinh tế đồng đều trong Cộng đồng kinh tế ASEAN với việc thông qua Khuôn khổ ASEAN về phát triển kinh tế công bằng. Đây là cơ sở phối hợp, tổng hợp tất cả các sáng kiến trong các khuôn khổ Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, các chương trình hợp tác tiểu vùng nhằm đề ra chương trình làm việc chung.