Vào ngày 28/6, Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã giới thiệu và trưng bày các mô hình kinh tế tuần hoàn tại “Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức.
Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ các nước, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn SCG chia sẻ tại Hội nghị về tầm quan trọng của việc hợp tác khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn |
Tại hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình kinh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực, và từ đó xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Diễn đàn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Bên cạnh phiên toàn thể, hội nghị có các phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung như: thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính đổi mới và công nghệ xanh về kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; và thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.
Ông Trần Hồng Hà (bên trái) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Roongrote Rangsiyopash tham quan mô hình triển lãm kinh tế tuần hoàn của SCG |
Là 1 trong gần 20 gian hàng tham gia triển lãm tại hội nghị, SCG đã mang đến 4 mô hình trưng bày, trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình kinh tế tuần hoàn SCG đã và đang áp dụng.
Với mô hình về chiến lược ESG 4 Plus (nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị minh bạch), SCG cam kết nâng tầm chiến lược thông qua các lộ trình cụ thể, bao gồm: hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050; tăng tỷ trọng các sản phẩm đạt chứng nhận SCG Green Choice lên gấp hai lần từ 32% lên 67% vào năm 2030; đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người dân, hướng đến đạt 20.000 lao động có tay nghề cao từ nay đến năm 2025; quyết tâm thúc đẩy ESG với sự hợp tác ở cấp quốc gia, ASEAN và quốc tế thông qua hội nghị Xanh tại APEC 2022 và hội nghị cấp cao ASEAN, diễn đàn kinh tế tuần hoàn 2022 tại Việt Nam và hội nghị chuyên đề ESG; và công bằng minh bạch trong tất cả các hoạt động.
Bên cạnh đó, gian hàng SCG đã trưng bày sản phẩm trong ngành xi măng - vật liệu xây dựng, hướng đến phát thải ròng bằng không thông qua các sản phẩm có nhãn SCG Green Choice, nổi bật như: SCG Super Xi măng, Sông Gianh và Starcemt.
Các sản phẩm trưng bày và mô hình bằng 100% nguyên liệu giấy tái chế lần đầu tiên được thiết kế, sản xuất từ ngành bao bì của Tập đoàn SCG, được sử dụng cho mục đích triển lãm tại Hội nghị |
Mô hình thứ 3 là về ngành kinh doanh bao bì (SCGP). Kế hoạch hành động của SCGP về kinh tế tuần hoàn hướng đến phát thải ròng bằng không xoay quanh 5 nội dung chính, gồm: tối ưu hóa quy trình và sử dụng năng lượng hiệu quả; gia tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng nhiên liệu carbon thấp; áp dụng các giải pháp bù trừ carbon; tối ưu hóa định giá carbon nội bộ để thúc đẩy các dự án phát thải carbon thấp.
Mô hình thứ 4 là về SCG Chemicals (SCGC) - Ngành hoá dầu của SCG, ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn, như: Nâng cao hiệu quả sinh thái của vật liệu thông qua việc thu hồi các vật liệu đã qua sử dụng để tạo ra các giá trị mới; xây dựng vòng đời mới của nhựa.
Ông Roongrote Rangsiyopash- Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG - chia sẻ: “kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và những bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị. Những nỗ lực chung và sự hợp tác giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư tại Việt Nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng tôi là bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Hơn thế nữa, tôi tin rằng, đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải các-bon ròng bằng không trong tương lai.”