Theo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), giai đoạn 1 (năm 2020), các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công Thương sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ để chủ động hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong EVFTA.
Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bổ sung, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009; chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về đấu thầu để hướng dẫn riêng đối với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA và tiến hành thực hiện bổ sung các cam kết thực thi EVFTA. Đồng thời, rà soát Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định về biểu thuế XK ưu đãi đặc biệt và biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA; Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận loại gạo XK vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan; xây dựng Thông tư quy định quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA…
Giai đoạn 2 (năm 2021 – 2025), Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công Thương để chủ động, hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, tới đây Bộ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định EVFTA. Theo đó, sẽ biên soạn sách hướng dẫn về cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà nước trong EVFTA, các FTA và các tổ chức quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương sẽ triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu cho các DN, cơ quan quản lý để hiểu rõ hơn Hiệp định EVFTA, nhằm tận dụng triệt để cơ hội. |