Dịch bệnh Covid-19: WHO nâng cấp mức độ theo dõi biến thể XBB.1.16 Tin Covid-19 ngày 26/4: Số ca mắc mới lên tới 2.731 ca; bệnh viện cần đảm bảo công tác khám chữa bệnh |
Từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc Covid-19 ở trong nước tăng cao. Theo bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng trong thời gian gần đây. Riêng trong ngày 26/4, cả nước ghi nhận 2.731 ca mắc mới, cao nhất trong hơn nửa năm qua. Lo ngại dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát và sẽ xảy ra tình trạng “cháy hàng”, nhiều người dân đã nhanh chân đi mua vật tư tế như kit test, khẩu trang và các loại thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng...
Theo khảo sát của phóng viên, tại một số hiệu thuốc trên địa bàn TP. Hà Nội, hơn một tuần qua, số lượng người dân đi mua các vật tư y tế tăng lên số lượng lớn. Một số hiệu thuốc cho biết, lượng người mua tăng do tâm lý lo ngại các sản phẩm vật tư y tế sẽ khan hiếm hàng, thậm chí bị đội giá. Những khách hàng đến mua hàng chủ yếu là các sản phẩm như kit test nhanh Covid-19 và thuốc điều trị cảm cúm.
Trong số những khách hàng đến mua thì một phần là người dân mua về nhà để phòng khi không may mắc bệnh thì sử dụng, một phần là những người đang bị Covid-19 và cũng có những trường hợp chỉ bị cảm cúm thông thường nhưng lại có biểu hiện, triệu chứng như Covid-19.
Người tiêu dùng lo lắng kit test, thuốc cảm cúm “cháy hàng” khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. (Ảnh: Quách Du) |
Bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ lo lắng: “Suốt 3 năm qua, người dân luôn lo lắng về dịch bệnh Covid-19. Hai tuần qua, tôi thấy tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, người mắc tăng cao. Do nhà đông người, nên tôi cũng phải mua thêm ít kit test nhanh và thuốc cảm cúm, nước muối để phòng ở nhà”.
“Nếu tình hình các ca mắc Covid-19 cứ tăng lên, tôi lo ngại các loại kit test hay thuốc chữa cảm cúm, thuốc kháng sinh sẽ “cháy hàng”. Không những thế, mức giá bán cũng vì thế mà tăng cao”, chị Mai Hạ (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Việc người dân lo lắng sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm hàng vật tư y tế hay đội giá bán cũng là điều dễ hiểu. Bởi thực tế, trong những đợt bùng dịch Covid-19 trước đây, cũng có thời điểm nhiều dân phải rất vất vả để có thể mua được hàng, thậm chí phải xếp hàng hay chấp nhận mua với giá cao.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của chủ một hiệu thuốc trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thực tế, người dân không nên quá lo lắng, mua dự trữ lượng lớn các vật tư y tế ở nhà. Bởi vì, hiện các nhà thuốc luôn có nguồn hàng dồi dào để cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức giá bán cũng được giữ ổn định, chứ không thể thích thì tăng giá theo tình hình người mắc Covid-19 tăng cao.
Theo ghi nhận, mức giá khẩu trang, kit test thời điểm này đã rẻ hơn rất nhiều so với trước đó. Hầu hết người tiêu dùng đều mong muốn các đơn vị bình ổn giá trên thị trường và các hiệu thuốc có thể giữ mức giá này để bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân không may mắc Covid-19.
Chủ một hiệu thuốc cũng cho biết, với tâm lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, không ít người dân còn mua sẵn đơn thuốc được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội, để tự điều trị tại nhà trong trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc làm này có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, ảnh hưởng đến việc điều trị, dẫn đến những biến chứng sau này của người bệnh.
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trước dịch bệnh, trước hết, người dân cần tuần thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bản thân mỗi người cần chủ động hơn trong việc mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác, rửa tay thường xuyên, đồng thời liên hệ ngay với các trạm y tế tại địa phương khi biết mình hoặc người thân mắc Covid-19.