Sớm vận hành Nhiệt điện Thái Bình 2, tiếp tục xử lý một số nhà máy chậm tiến độ khác
Khởi động từ năm 2011, Nhiệt điện Thái Bình 2, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, có quy mô công suất (1.200 MW) thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý, kèm theo đó là thời gian dài dự án bị chậm tiến độ và đình trệ (từ năm 2018 đến năm 2021).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Quyết tâm cao nhất để sớm vận hành dự án
Với mục tiêu vừa không để thất thoát tài sản Nhà nước, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều kết luận, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để PVN sớm hoàn thành và đưa dự án vào vận hành.
Kể từ sau khi nhậm chức, tiếp nối công việc của nhiệm kỳ trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc, chỉ đạo, xem xét giải quyết những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài với mục tiêu sớm hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ này. Tính tới đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường Nhà máy.
Sau nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo Chính phủ, bộ, ban, ngành và chủ đầu tư là PVN để tháo gỡ cho dự án, dự án từ chỗ "đóng băng" suốt nhiều năm đã thi công trở lại.
Tổ công tác của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các bộ, ngành và tỉnh Thái Bình, đặc biệt là tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp trên công trường đã quyết liệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công việc được giao.
Thủ tướng động viên công nhân đang làm việc tên công trường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo báo cáo của Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, dự án từng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cả các vấn đề về pháp luật, mặc dù đã được giải ngân trên 35.000 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua không có tiến triển, gần như dừng thi công từ tháng 8/2018.
Thời gian gần đây, với những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đã tạo động lực và áp lực cho các cơ quan có niềm tin, nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước khôi phục dự án. Đến nay, dự án từng bước được kiểm soát, dần "hồi sinh" và hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng.
Thủ tướng và đoàn công tác khảo sát thực tế dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiến độ thực tế của dự án tại thời điểm hiện tại đã đạt hơn 93%; giải ngân đạt 84,91% (12.776 tỷ đồng và 1.041,77 triệu USD tương đương 35.491 tỷ đồng/41.799 tỷ đồng tổng mức đầu tư).
Công việc còn lại của dự án là tập trung cho công tác chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than.
Ngày 23/2/2022, dự án đã hoàn thành mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1. Nhà máy đã thử nghiệm đóng điện ngược bằng chạy dầu vào ngày 6/5 và dự kiến đốt than lần đầu vào ngày 16/6. Dự kiến trong ngày 8/5 hoặc 9/5, dự án sẽ hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang phấn đấu đến 30/11/2022 sẽ vận hành thương mại Tổ máy số 1 của Nhà máy và vận hành thương mại toàn bộ Nhà máy vào 31/12/2022.
Tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều khó khăn, các mốc tiến độ tiếp theo của dự án sẽ là thách thức rất lớn đối với chủ đầu tư, tổng thầu, như thiết bị đã được lắp đặt và không sử dụng trong thời gian dài, mặc dù đã được các bên nỗ lực bảo quản nhưng trước khi chạy thử cần phải kiểm tra, bảo dưỡng, đặc biệt trong trường hợp phải thay thế...
Tập đoàn, các nhà thầu và các lực lượng trên công trường cam kết sẽ quyết tâm, nỗ lực cao nhất để hoàn thành dự án đúng kế hoạch, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Thủ tướng thị sát Trung tâm điều hành Nhà máy, nghe lãnh đạo PVN báo cáo chung về dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không sử dụng thêm ngân sách Nhà nước cho dự án
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc nghiên cứu, đầu tư Trung tâm Nhiệt điện tại Thái Bình cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thái Bình nói riêng, địa phương đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến, trong đó có bảo đảm an ninh lương thực và tiếp tục phát triển nông nghiệp sau chiến tranh. Đây là việc đã được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt. Sau 11 năm, chúng ta đã cơ bản hoàn thành dự án.
Tại cuộc họp cách đây 7 tháng, PVN đã đề nghị bố trí thêm nguồn vốn Nhà nước để hoàn thành dự án. Thường trực Chính phủ và các cơ quan đã nêu rõ quyết tâm khắc phục các khó khăn, hoàn thành dự án. Trong tình hình khó khăn, Thường trực Chính phủ và các cơ quan quyết định không sử dụng kinh phí Nhà nước mà cơ cấu lại nguồn vốn 41.799 tỷ đồng của dự án; đồng thời đánh giá sát tình hình để tổ chức lại công việc; bố trí lại nhân sự; các bộ, ngành vào cuộc và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo.
Chỉ qua 7 tháng, công việc đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đặc biệt là PVN, các đơn vị liên quan, nhà thầu, cán bộ, người lao động trên công trường đã làm việc ngày đêm, lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức công việc và cơ cấu lại nguồn vốn, khắc phục các hạn chế, yếu kém, bất cập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số bài học rút ra từ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
6 bài học rút ra từ việc "hồi sinh" dự án
Thủ tướng nêu rõ một số bài học rút ra từ dự án. Trước hết, phải nắm chắc tình hình thực tế, đánh giá đúng thực trạng công việc để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Đồng thời, phải triển khai công việc quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, thống nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của PVN đã quyết tâm cơ cấu lại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn, trên cơ sở chia sẻ khó khăn với Nhà nước, với nhân dân.
Một bài học khác là về công tác nhân sự, khi việc thay đổi nhân sự Ban Quản lý dự án và nhà thầu một cách phù hợp tình hình đã tạo ra những chuyển biến trong công việc.
Cùng với đó là những bài học về huy động được sự tham gia hăng say với quyết tâm cao của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; sự phối hợp của các bộ, các ngành, sự vào cuộc của địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan như Tập đoàn Than-Khoáng sản.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, áp dụng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đang chậm tiến độ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiếp tục xử lý các dự án chậm tiến độ khác
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy tối đa những công việc đã làm, những thành quả đã đạt được, các bài học kinh nghiệm; nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, tiếp tục tổ chức thực hiện công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể, cố gắng hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước, phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Thủ tướng cũng lưu ý làm tốt công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tới môi trường; quan tâm chăm lo đời sống người dân trong vùng, nhất là những người đã nhường mặt bằng cho dự án.
Thủ tướng và đoàn công tác động viên các đơn vị đang làm việc tại dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu điện của nền kinh tế rất lớn, việc đưa nhà máy vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các công việc để dự án sớm đi vào hoạt động, sớm hòa lưới điện quốc gia, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thái Bình và của cả nước.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, áp dụng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với dự án Nhiệt điện Long Phú 1 tại Sóc Trăng và một số dự án khác đang chậm tiến độ.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm Nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, khi đi vào vận hành, dự án này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách của Thái Bình. Đây cũng là mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.