Sơn La: Hỗ trợ cơ sở đầu tư đúng hướng, hiệu quả
Điển hình tại Công ty Cổ phần may Tâm Sáng (Mai Sơn, Sơn La) - một trong những đơn vị được thụ hưởng từ đề án khuyến công. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động (từ năm 2018), để nâng cao hiệu quả sản xuất, công ty đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư mua 1 máy lập trình bông khổ lớn, 1 máy đính bọ điện tử, 1 máy thùa đầu tròn điện tử. Tổng kinh phí thực hiện 603 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 288 triệu đồng.
Máy móc tiên tiến được hỗ trợ phục vụ sản xuất |
Ông Phạm Minh Sáng - Giám đốc Công ty Cổ phần may Tâm Sáng - cho biết, nhờ được hỗ trợ đầu tư máy móc, chất lượng sản phẩm của công ty đã được nâng cao. Trung bình mỗi ngày công ty sản xuất hơn 1.000 sản phẩm, chi phí nhân công cũng giảm khoảng 60% so với trước đây. Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư giúp đơn vị hoàn thiện dây chuyền máy móc, thiết bị, tăng 15% năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm may, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn xuất khẩu.
Những năm qua, để triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công, Sở Công Thương Sơn La đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp đến các cơ sở CNNT tại địa phương. Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phù hợp với các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của trung ương và địa phương. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công tác theo dõi tiến độ đảm bảo các đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích.
Theo Sở Công Thương, trong năm 2020, đơn vị đã triển khai 7 đề án khuyến công với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quốc gia và địa phương. Bên cạnh những đề án đã được triển khai, Sơn La cũng xây dựng các đề án điển hình như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất tôn PU cách nhiệt cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quý Chi (xã Hát Lót, Mai Sơn); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất hoa quả sấy tại Công ty TNHH MTV Đạt Thủy (Cò Nòi, Mai Sơn); hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Thanh Nhung (Mai Sơn); ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất may công nghiệp tại Công ty Cổ phần may Tâm Sáng; hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã, bao bì, bao bì đóng gói.
Từ kết quả thực tế, các đề án về may mặc, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm... đã phát huy hiệu quả, giúp các cơ sở CNNT đầu tư đúng hướng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động thuộc nhiều ngành nghề. Cùng với đó, những đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực. Qua đó cho thấy, sự hỗ trợ kịp thời của chính sách khuyến công góp phần giúp cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Theo Sở Công Thương Sơn La, để hỗ trợ hiệu quả các đề án khuyến công trên địa bàn, những năm tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khảo sát xây dựng kế hoạch triển khai đề án có tính khả thi cao, tập trung những nội dung có thế mạnh của địa phương. |