Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (giữa) - chủ trì Hội thảo |
Tham dự hội nghị có các chuyên gia về lĩnh vực phân bón và hóa chất, các nhà khoa học, Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Hội nông dân cùng đông đảo các chủ trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và bà con nông dân các tỉnh phía Bắc.
Ông Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng - cho biết: Trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ 65 thị trường trên thế giới trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc với tỷ trọng 40-45% cả về lượng và giá trị, sau đó là Nga và một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Belarus…
Với diện tích gieo trồng cả nước hàng năm khoảng 12 triệu ha, tổng lượng phân bón sử dụng khoảng 10-11 triệu tấn/năm. Phân bón cũng mang lại ít nhất 30-35% giá trị sản lượng của nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón chất lượng kém, hàm lượng chất dinh dưỡng không như công bố khá phổ biến, nghiêm trọng hơn là sản xuất và kinh doanh phân bón giả, đặc biệt đối với phân hữu cơ sinh học, phân bón lá, phân hữu cơ vi sinh…
Theo ông Hiền, phân bón là hàng hóa đặc thù, có những điểm khác biệt với những hàng hóa khác, nên khi xem xét các vi phạm chất lượng và việc đề ra các chế tài xử lý, xử phạt cũng cần có quy định phù hợp. Phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, làm tăng độ màu mỡ của đất, trái lại cũng có thể gây tác động xấu tới môi trường. Do vậy, cần thiết phải đưa phân bón vào nhóm mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Ông Hiền kiến nghị cần sớm ban hành nghị định mới về quản lý phân bón thay thế cho Nghị định 202 và các thông tư hướng dẫn kèm theo nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý.
Tại hội thảo, các chuyên gia về lĩnh vực phân bón cũng đã hướng dẫn đến bà con về đặc điểm một số loại đất, cách sử dụng phân bón cũng như cách bón phân hợp lý cho cây trồng chính ở vùng đồng bằng Bắc bộ với nguyên tắc 4 đúng: đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian và đúng phương pháp. Theo các chuyên gia, sức ép của việc tăng dân số, nhu cầu ngày càng cao về năng suất, thu nhập và lãi từ sản xuất của nông dân và yêu cầu giảm diện tích sử dụng đất canh tác nông nghiệp đòi hỏi trồng trọt thâm canh càng phải sử dụng nhiều phân bón. Tuy nhiên, nguy cơ sử dụng phân bón sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp, môi trường và chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng lớn nếu người nông dân thiếu những hiểu biết cần thiết. Do đó, rất cần có những hướng dẫn, những giải pháp từ phía cơ quan chức năng đảm bảo cho người nông dân có thể bón phân cân đối và hợp lý trong thực tế sản xuất rất đa dạng của họ.