Lỗ hổng chính sách
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (KTS) - Bộ Công Thương, cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Theo đó, các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước…
Chính sách quản lý TMĐT chưa theo kịp tốc độ phát triển |
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS - thừa nhận, song hành với tốc độ phát triển, TMĐT cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Bởi người mua và người bán chỉ liên hệ với nhau qua mạng, vì thế, việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet.
Nói về mặt trái của TMĐT, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - cho biết, tại không ít mạng xã hội (MXH), ứng dụng TMĐT cũng đang bị các đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, gây thiệt hại cho NTD.
Trên thực tế, hành lang pháp lý về TMĐT (Nghị định 52/2013/NĐ-CP) đã được xây dựng khá chi tiết, nhưng thị trường TMĐT thay đổi liên tục, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung vì Nghị định đã ban hành 7 năm. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhấn mạnh, cần sửa đổi và mạnh tay hơn với các vi phạm.
Tăng trách nhiệm của chủ sàn
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLcho rằng, cần sửa đổi ngay các khung khổ pháp lý về quản lý sàn TMĐT theo hướng tăng trách nhiệm của các chủ sàn. Các quy định hiện hành chưa gắn chặt trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với đối tác bán hàng trên sàn.
Về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải thông tin thêm, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP theo hướng minh bạch hóa thông tin trên các website TMĐT, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT trong quản lý hoạt động TMĐT trên sàn; quy định cụ thể về hoạt động TMĐT trên MXH và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý MXH.
Đồng thời, dự thảo cũng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác gồm: Hợp nhất quy định tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT trên ứng dụng di động; quy định về vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý hoạt động TMĐT; bổ sung trách nhiệm của chủ thương hiệu đối với hàng hóa, dịch vụ giao dịch trên các kênh TMĐT…
Cụ thể, điều 30, Nghị định 52 sẽ được điều chỉnh theo hướng thông tin về hàng hóa, dịch vụ được trưng bày, giới thiệu trên website, ứng dụng TMĐT bán hàng phải có các nội dung: Tên hàng hóa, dịch vụ; mô tả đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ, tránh hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng…
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng bổ sung nội dung về quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài; thu hẹp đối tượng thực hiện thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng. |