Ảnh minh họa
Theo phản ánh, thời gian bình chọn sản phẩm CNNTTB là quá ngắn, doanh nghiệp không đủ thời gian quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm và địa phương cũng khó tìm sản phẩm tham gia. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cuộc bình chọn là chương trình thường niên, và được bình chọn trên cơ sở những sản phẩm đang hoặc sẽ đưa vào sản xuất. Vì thế, không nhất thiết năm nào cũng phải có sản phẩm tham gia. Đơn vị nào năm nay chưa có sản phẩm tham gia bình chọn thì sẽ tiếp tục hoàn thiện và tham gia vào năm tiếp theo. Cho nên, vấn đề về thời gian không phải là nguyên nhân.
Ông Vũ Hy Thiều - thành viên Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNTTB |
Bình chọn cấp khu vực năm 2014 có tới 166 sản phẩm được công nhận, khiến người ta nghi ngại về tính tiêu biểu của sản phẩm?
Nếu xét khắt khe thì rất ít sản phẩm thực sự là tiêu biểu cho CNNT. Tuy nhiên, do số lượng sản phẩm tham gia bình chọn khá nhiều nên bản thân Hội đồng giám khảo cũng bị áp lực.
Hơn nữa, các địa phương đem sản phẩm dự bình chọn, nhiều khi không hiểu rõ về tiêu chí, mục đích nên cứ sản phẩm nào đẹp nhất của địa phương là đem đi. Hội đồng bình chọn phải vận dụng linh hoạt các tiêu chí. Ví dụ, doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới hoàn toàn hoặc mới một phần dù chưa biết vào thị trường như thế nào nhưng cái mới là cái rất quan trọng. Cho nên, tính mới sẽ được chấm điểm cao hơn.
Cũng theo phản ánh, sản phẩm được công nhận ngoài giải thưởng được trao tặng, không nhận được hỗ trợ nào?
Với bình chọn sản phẩm CNNTTB, giải thưởng dù nhỏ hay lớn chỉ mang tính chất ghi nhận, động viên chứ không phải là hỗ trợ. Để hỗ trợ phát triển sản phẩm phải là những chương trình như chương trình khuyến công, chương trình khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… Nhưng để nhận được sự hỗ trợ từ những chương trình này, sản phẩm, doanh nghiệp phải đáp ứng theo tiêu chí của các chương trình đó.
Các chương trình hỗ trợ của nhà nước hiện xác định mục tiêu vẫn còn chung chung, chưa đưa ra định hướng sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa tìm hiểu rõ và nhận thức đúng mục đích của bình chọn. Họ đưa các sản phẩm đi tham dự là những mặt hàng đã sản xuất, tiêu thụ rất nhiều nên rất hạn chế về tính mới. Vì thế, nếu nói bình chọn sản phẩm CNNT có giảm sức hút thì lỗi không chỉ xuất phát từ cơ chế, chính sách.
Như vậy, chương trình bình chọn giảm sức hút bắt nguồn từ cả hai phía, vậy theo ông phải làm thế nào để giải quyết khúc mắc này và tăng sức hấp dẫn và phát huy hiệu quả cho chương trình?
Theo tôi, phải hỗ trợ từ đầu bằng chương trình tư vấn, có thể kèm theo cả đào tạo. Ví dụ, doanh nghiệp có ý tưởng phát triển sản phẩm tương đối cụ thể, có thể đề xuất Cơ quan tư vấn xem xét, lựa chọn một số sản phẩm để tư vấn. Nếu doanh nghiệp yếu về thiết kế mẫu mã sẽ mời chuyên gia tư vấn về thiết kế, yếu về công nghệ sẽ mời các nhà kỹ thuật… Trên cơ sở đó, doanh nghiệp phát triển ra sản phẩm mới và đem đi dự bình chọn thì cuộc bình chọn có hiệu quả cao. Sản phẩm sau bình chọn cần được hỗ trợ tiếp. Cũng cần kết nối các chương trình hỗ trợ như khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… nhằm tập trung nguồn lực, tập trung đối tượng hỗ trợ tránh tình trạng các chương trình độc lập như hiện nay.
Tôi nghĩ, cần có thêm tiêu chí định hướng khuyến khích, tránh thiệt thòi cho sản phẩm mới, doanh thu thấp, thu hút ít lao động nhưng có triển vọng lớn trên thị trường. Doanh nghiệp cũng cần xác định rõ mục tiêu của chương trình bình chọn. Đầu tư cho khâu thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới. |
TIN LIÊN QUAN | |