Tổng cầu “ấm”, nhu cầu vốn sẽ tăng
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) nhận định: Năm qua, tăng trưởng tín dụng đã có sự cải thiện do tổng cầu có dấu hiệu phục hồi. Tác động của tổng cầu tới nền kinh tế sẽ kích thích nhu cầu vay vốn. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ hỗ trợ cho các nhân tố tổng cầu tăng. Điều đó được thể hiện qua nhu cầu tiêu dùng xã hội, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực hơn.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. |
Đại diện Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2014 đạt 2,95 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ của Việt Nam tăng 6,3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013. Tổng mức bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2014 cho thấy sức tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng trong nước có phần được cải thiện.
Trong năm 2014, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt 1.220,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013, trong đó, vốn khu vực tư nhân chiếm 38,4%, tăng 13,6% so với năm 2013. “Đầu tư tư nhân tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu tín dụng của ngân hàng cũng tăng. Bên cạnh đó, xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 150 tỷ USD, nhập khẩu 148,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 1,5 tỉ USD cũng đã thể hiện sức cầu đang “ấm” dần”, ông Phước nói.
Một chuyên gia của Bộ KHĐT nhận định: Nhu cầu xây dựng các công trình có vốn từ ngân sách Nhà nước, các công trình phục vụ cho xây dựng xã nông thôn mới đã tăng cao hơn năm trước. Các doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi; nhu cầu xây dựng nhà và các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh ở khu vực dân cư có xu hướng tăng, giá cả vật tư xây dựng tương đối ổn định nên trường bất động sản đang ấm dần.
“Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường hàng hóa sẽ tạo sức cầu mới, trước hết là thị trường bất động sản, từ đó sẽ tạo sức lan tỏa cho thị trường tài chính tiền tệ và cả nền kinh tế”, ông Phước nhấn mạnh.
Xử lý nợ xấu để lưu thông tín dụng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn ngành ngân hàng tính đến cuối quý III/2014 chiếm khoảng 4,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, một điểm được các chuyên gia ngân hàng lưu ý là tài sản thế chấp là bất động sản chiếm 85- 90%, đây là một trong những điểm nghẽn chính cản trở lưu thông tín dụng. Vì vậy, tập trung xử lý nợ xấu thông qua việc “sưởi ấm” thị trường bất động sản là giải pháp thiết thực.
HUD8 bàn giao căn hộ Chung cư cao tầng D1-CT2 Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm. |
Để kích cầu bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Bộ Xây dựng đã và đang tích cực chủ động đề xuất, tập trung cùng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Năm qua, những thay đổi tích cực của khu vực bất động sản đã được thể hiện ở lượng giao dịch (21.700 giao dịch thành công, so với năm 2013 tăng gấp đôi tại TP Hồ Chí Minh, tăng 30% tại Hà Nội). Giá nhìn chung ổn định, tồn kho bất động sản giảm (còn khoảng 74.000 tỷ đồng, giảm 21,8% so với năm 2013).
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia: “Mục tiêu đưa nợ xấu của ngành về 3% trong năm 2015 của NHNN là có cơ sở, khi mà nền kinh tế đã có những bước phục hồi mạnh mẽ: Tăng trưởng năm nay đạt trên 5,9%, lạm phát lại thấp, một số chỉ tiêu khác cũng rất tốt như xuất khẩu, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm…”. |
Đề cập tới việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay: Vụ Tín dụng (NHNN), tính đến ngày 30/11/2014, đã có 10.405 khách hàng được ký hợp đồng vay vốn trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt 9.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nguồn vốn dành cho chương trình), tăng 4,8 lần so với 31/12/2013; giải ngân theo tiến độ đạt 4.403 tỷ đồng. Với việc có thêm 8 ngân hàng thương mại được tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở (nâng tổng số nhà băng lên 13 đơn vị) và “nới” một số quy định về đối tượng, thời hạn vay vốn, năm 2015 được xem là có những đột phá trong việc giải ngân gói vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Giải pháp được cho là có tác dụng chính là kích cầu, trong đó có cả kích cầu bất động sản sẽ góp phần cho hệ thống ngân hàng đạt được mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm 2015. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, TS. Trần Hoàng Ngân chia sẻ: Lãi suất giảm như hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, để khởi thông tín dụng, ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu các ngân hàng cân đối được để giảm thêm lãi suất cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp vay vốn. “Nhưng chỉ cố gắng của ngân hàng là chưa đủ, mà vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khác như tăng đầu tư công, đẩy mạnh vai trò chính quyền địa phương để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”, ông Ngân nói.
“Nếu tập hợp các giải pháp đồng bộ, như kích tổng cầu kinh tế, giảm lãi suất cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt; ngân hàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để tăng trích dự phòng rủi ro; giảm bớt thủ tục hành chính để có thể xử lý được phát mãi tài sản; hình thành thị trường mua - bán nợ, thì tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy mạnh hơn so với hiện nay. Mặt khác, cần thêm cơ chế và trao quyền cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bán nợ để có điều kiện mua thêm nợ xấu…, mới có thể đạt được mục tiêu kéo nợ xấu xuống dưới 3% trong năm 2015”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng cầu tăng đã tạo nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nhu cầu của khách hàng về sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong năm 2014 và dự kiến tiếp tục phục hồi trong quý I và cả năm 2015. Đáng chú ý, nhu cầu vay vốn của khách hàng có xu hướng phục hồi rõ nét kể từ quý IV/2014.