Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo TS. Trần Đại Nghĩa - Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), Việt Nam được cho là một trong 3 nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với các tác động của BĐKH và nước biển dâng.
Do BĐKH, từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết Elnino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán, mặn xâm nhập trên diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế 15.000 tỉ đồng. Đợt mưa lũ trong tháng 10 và 1/2016 cũng gây ra những hậu quả nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung.
Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và địa phương, trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng phó với thiên tai. Tính đến đầu tháng 7/2016, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 16 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thời tiết cực đoan Elnino. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2016-2020 cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỷ đồng để khắc phục những thiệt hại do Elnino gây ra. Trước mắt, trong năm nay sẽ cần 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.
Trước yêu cầu cấp bách về ứng phó với BĐKH, theo các chuyên gia, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH. Trong đó, phải chú trọng ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh bởi mô hình này đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo khả năng thích ứng và năng lực phục hồi sản xuất sau BĐKH.
Một trong những mô hình nông nghiệp thông minh đó là ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Kiều – Phó Giám đốc Trung tâm Thuỷ lợi miền núi phía Bắc (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), hiện nay công nghệ này vẫn còn rất nhiều rào cản để có thể áp dụng. Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học tưới tiết kiệm vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các nhà khoa học mà còn của các cấp và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp.
Còn theo ông Nghĩa, từ năm 2010 đến nay chúng ta đã triển khai nhiều chương trình nhằm thích ứng tốt hơn với BĐKH. Trong đó phải tính đến các biện pháp công trình ví dụ như các hệ thống thủy lợi, hồ đập. Tuy nhiên, những giải pháp “phần mềm” chưa được đầu tư nhiều như: chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, tạo ra những giống cây trồng vật nuôi có khả năng thích ứng tốt hơn với các điều điện thời tiết bất thường.
Ông Nghĩa cho biết, giải pháp quan trọng và cần thiết để thích ứng với BĐKH là ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh và phải nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống mà vẫn đảm bảo thực hiện tái cơ cấu. Cùng với đó, cần kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của khối tư nhân vào mô hình này.