CôngThương - Với mong muốn đẩy mạnh trao đổi thương mại, khai thác tiềm năng vốn có giữa hai nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin về thị trường, việc tổ chức các đoàn nghiên cứu và thăm dò thị trường bị hạn chế do kinh phí, ngày 26/6/2012, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á-Bộ Công Thương đã tổ chức “Giao thương trực tuyến thương mại Việt Nam – Algeria” với sự tham dự của gần 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng có lợi thế của cả hai nước.
Hiện, Algeria là nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Phi, có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ bảy trên thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu khí tự nhiên và đứng thứ 14 về trữ lượng dầu mỏ.
Quốc gia này là một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi và là nước có quan hệ truyền thống hữu nghị hết sức tốt đẹp với Việt Nam.
Năm 2011, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria lần đầu tiên vượt con số 100 triệu USD, tăng 32,5% so với năm 2010. Trong khi, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Algeria không đáng kể (0,2 triệu USD), chủ yếu là các mặt hàng cao su, bột cà rốt, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng.
Tuy gần như xuất siêu hoàn toàn nhưng tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu hàng năm của Algeria còn rất thấp (chỉ 0,15%).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm cà phê (đạt 51 triệu USD, chiếm 50% giá trị xuất khẩu), gạo (19,8 triệu USD), hàng hải sản (12,1 triệu USD), hạt tiêu (4,3 triệu USD), sản phẩm sắt thép (2 triệu USD).
Riêng 4 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang Algeria có mức tăng mạnh mẽ, đạt 64,22 triệu USD, tăng 66,54% so với cùng kỳ 2011.
Phát biểu tại buổi giao thương, ông Mohamed Benini- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại ngoại thương Algeria lưu ý: “Hoạt động xuất khẩu ở Algeria hoàn toàn không bị hạn chế, không phải xin giấy phép hoặc điều kiện tiên quyết nào trừ một số sản phẩm có thể ảnh hưởng đến động thực vật, di sản khảo cổ học và lịch sử quốc gia”.
Ông Mohamed Benini cũng cho biết một số các cải cách về thương mại của Algeria đang thực hiện như thành lập các cơ chế/tổ chức hỗ trợ chiến lược xúc tiến ngoại thương. Thêm vào đó, Algeria cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích và tăng cường xuất khẩu. Trong đó, đơn giản hóa việc đăng ký giấy phép thương mại cho các nhà xuất khẩu từ năm 2006, tổ chức chương trình hội chợ, triển lãm ở nước ngoài được đánh giá có hiệu quả cao.
Chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế thường niên này cho phép các doanh nghiệp tham dự được hỗ trợ 80% chi phí, còn đối với các doanh nghiệp tham gia với tư cách cá nhân được hỗ trợ 50% chi phí thậm chí có trường hợp đặc biệt có thể được hỗ trợ 100%.
Tại Algeria, các nhà xuất khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu trực tiếp (l’IBS et la TAP) và thuế đánh vào doanh số kinh doanh (TVA).
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu Algeria có thể hưởng những chế độ hoãn thuế và phí trong công tác hải quan như: chế độ kho ngoại quan công nghiệp; chế độ tạm nhập tái xuất; nhập khẩu miễn thuế để cung ứng; tạm xuất tái nhập.
Giới thiệu về hàng hóa Việt Nam tại buổi giao thương, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Đỗ Trọng Cương cho biết: “Được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn châu Âu, hàng hóa Việt Nam được các đối tác Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á đánh giá cao nhờ chất lượng tốt, giá cả phải chăng và an toàn cho người tiêu dùng”.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về sản xuất cà phê robusta, đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, và là nước xuất khẩu quan trọng về hàng thủy sản, hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ, xi măng, sắt thép, đồ điện tử…"Việt Nam mong muốn mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với các nước, đặc biệt là các nước châu Phi trên cơ sở hữu nghị và hợp tác hai bên cùng có lợi. Algeria hiện đang có kế hoạch đầu tư công 286 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2014. Đây sẽ là thị trường đầu tư và trao đổi thương mại nhiều tiềm năng đối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam", Đại sứ Đỗ Trọng Cương nhấn mạnh.