Nguồn nước thải công nghiệp cần xử lý triệt để
CôngThương - Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Hội thảo “Khởi động dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, là tình trạng nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý thải trực tiếp vào lưu vực đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy.
Khắc phục tình trạng này, Dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp sẽ được triển khai từ nay đến năm 2018, với tổng kinh phí 58,85 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Thế giới tài trợ 50 triệu USD, 8,85 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Mục tiêu chính của dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế, kỹ thuật và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong giám sát và cưỡng chế thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Đây được coi là giải pháp quan trọng, cấp bách để “cứu” các dòng sông, cũng như cải thiện ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN).
Nhằm thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Hà Nội đang tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường sông Nhuệ - Đáy. |
Cùng với dự án trên, những năm gần đây, nhiều kế hoạch xử lý ô nhiễm nước sông, hồ khu vực nội thành, nước thải khu dân cư, KCN, làng nghề đã được thực hiện. Trong số 19 cơ sở nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy trong danh sách gây ô nhiễm nghiêm trọng, có 18 cơ sở đã thực hiện xong các biện pháp xử lý ô nhiễm theo quy định, hiện chỉ còn 1 cơ sở đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải. Tại một số huyện, việc thí điểm đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải vệ sinh đã phát huy tác dụng. UBND TP. Hà Nội cũng đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án như: Xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày, đêm; Nhà máy Xử lý nước thải Phú Đô công suất 84.000 m3/ngày, đêm; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức công suất khoảng 13.000 m3/ngày, đêm; xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề huyện Hoài Đức, công suất 12.000 m3/ngày, đêm; dự án Cụm đầu mối Liên Mạc; cụm công trình đầu mối Trạm bơm Yên Nghĩa; Trạm bơm Đông Mỹ, Ngoại Độ 2, Yên Thái tiêu thoát nước cho các quận, huyện; dự án nạo vét sông Đáy; nạo vét, cải tạo, nâng cấp lòng dẫn, nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông, cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang, nâng cấp công trình trên sông Nhuệ... Trong đó, một số dự án đi vào hoạt động đã mang lại kết quả khả quan, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy.
UBND tỉnh Hà Nam đã xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nam sẽ tích cực tuyên truyền, triển khai dự án về thu gom và xử lý rác thải, nước thải, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN; nạo vét, khơi thông dòng chảy; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường; huy động nguồn lực đầu tư vào các dự án để khắc phục ô nhiễm môi trường; hỗ trợ các công ty kinh doanh hạ tầng KCN triển khai dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy…