Tác động tiêu cực
Số liệu thống kê của Cục PVTM, Bộ Công Thương - cho biết, tính đến năm 2020, Canada đã điều tra 18 vụ việc PVTM bao gồm 11 vụ điều tra chống bán phá giá, 5 vụ điều tra chống trợ cấp và 2 vụ điều tra tự vệ. Các mặt hàng bị Canada điều tra chủ yếu là sản phẩm thép.
Theo đó, với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada năm 2020 đạt hơn 4,3 tỷ USD, chiếm 1,54% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện PVTM khởi xướng mới hoặc rà soát năm 2020 khoảng 66,2 triệu USD.
Thép là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối diện nhiều nguy cơ bị kiện PVTM tại thị trường Canada |
Trong thời gian gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.
Việc bị các nước điều tra áp dụng biện pháp PVTM khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Canada. Trong đó, theo Cục PVTM, nếu bị áp thuế sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Hệ quả là các nhà nhập khẩu ở nước áp thuế có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế khác, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sút, thị phần bị thu hẹp và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đối mặt với rủi ro có thể mất thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, việc theo đuổi các vụ kiện thương mại trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định trong sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp. Đặc biệt là làm ảnh hưởng đến nguồn lực của doanh nghiệp, gia tăng chi phí, bất ổn trong sản xuất, xuất khẩu. Bởi, thông thường một vụ việc điều tra thương mại thường kéo dài trung bình 12 tháng và có thể gia hạn tới 18 tháng, sau đó doanh nghiệp còn phải đối phó với nhiều lần rà soát thuế và thời gian áp thuế trừng phạt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí đến 20 năm.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Trước bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, tham mưu để thể chế hóa công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài trong Luật Quản lý ngoại thương, đồng thời cụ thể hóa trong một số đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động tiếp cận sớm với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên khuyến nghị tới doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, nhất là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện PVTM.
Với sự chủ quyết liệt đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả rất tích cực. Đặc biệt, theo Cục PVTM, trong nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Như đối với thị trường Canada, năm 2019, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của hải quan Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu thép chống an mòn từ Việt Nam vào Canada năm 2018 là xấp xỉ 7 nghìn tấn với kim ngạch xấp xỉ 11,6 triệu USD.
Tháng 10/2020, CBSA đã công bố kết luận cuối cùng vụ việc. Theo đó, đối với điều tra CTC, CBSA kết luận Chính phủ Việt Nam không trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép chống ăn mòn, do đó không áp thuế CTC với mặt hàng thép này nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với điều tra CBPG, CBSA điều chỉnh giảm thuế CBPG đáng kể so với kết luận sơ bộ. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp đầy đủ thông tin cho CBSA trong vụ việc (chiếm 97% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada) có mức thuế CBPG giảm từ 36,3%-91,8 trong kết luận sơ bợ xuống còn 2,3%-16,2% kết luận cuối cùng.
Đánh giá về vụ việc này, Cục PVTM cho hay, đây là vụ việc thành công đối với cả Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan. Đặc biệt, kết quả có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan đại diện Bộ, ngành, thương vụ Việt Nam tại Canada, các địa phương, Hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan trong công tác xử lý vụ việc.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng, Bộ Công Thương khẳng định, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những rủi ro về kiện PVTM, Cục PVTM sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp. Mặt khác, đơn vị này cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước.
Hiện nay, thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin cơ bản về nhu cầu sản phẩm, xu hướng thị trường để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, từ đó có kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh xuất khẩu quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro bị điều tra, áp thuế. |