Kinh tế vĩ mô tốt, chứng khoán sẽ sớm hấp dẫn trở lại Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng" Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô |
Tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo 5,19%
Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP) với chủ đề “Khoa học công nghệ thúc đẩy sự thịnh vượng – Cơ hội cho Việt Nam”, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 6/12, ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế (CIEM) đã đưa ra những chỉ dấu tích cực của bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo theo hướng quý sau cao hơn quý trước |
Theo đó, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển, nhất là chỉ tiêu về đầu tư công, tính chung 11 tháng đã giải ngân 461 nghìn tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 11 tháng ước đạt 28,8 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cùng với đó, Việt Nam cũng kiểm soát lạm phát tốt, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%.
Tăng trưởng kinh tế cũng theo hướng quý sau cao hơn quý trước, ước tăng trưởng GDP quý IV/2023 đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III/2023 là 5,23%; quý II/2023 là 4,05% và quý I/2023 là 3,28%.
Các chuyên gia của CIEM dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt 5,19%, tuy thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022, nhưng theo TS Nguyễn Hữu Thọ, mức tăng trưởng này cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Dù đạt được những kết quả khá tích cực, nhưng nhóm nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Những khó khăn phải kể đến như thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động trầm lắng, trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ có 51 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ 2022.
Thị trường bất động sản cũng rơi vào tình cảnh trầm lắng tương tự, cơ cấu hàng chưa phù hợp, thừa hàng ở những phân khúc cao, nhưng lại thiếu hàng ở phân khúc thấp. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế tuy cao (dự báo 5,19%), nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 6,5%, điều này ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đến năm 2025 và 2030.
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, nguyên nhân ngoài những yếu tố khách quan bên ngoài như địa chính trị thế giới phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm và lạm phát toàn cầu gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hoá… thì nền kinh tế vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập. Còn hiện tượng thiếu thống nhất, chồng chéo giữa mốt số quy định pháp luật, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp còn chậm, chưa quyết liệt, kịp thời.
Sau Covid-19, các chủ thể kinh tế trong nước còn yếu, năng lực hấp thụ vốn giảm, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhanh. Có những thời điểm điển hình như tháng 1/2023, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có tới 169 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp khó triển khai kịp thời do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên khó tạo đột phá cho doanh nghiệp phát triển.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, những khó khăn của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ được kéo sang năm 2024 |
3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024
Năm 2024, CIEM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP. Trong đó, ở kịch bản thấp, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 5,50%, kịch bản cơ sở được đánh giá là kịch bản dễ xảy ra nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 6,0% và kịch bản cao là 6,5%.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, năm 2024 vẫn được đánh giá là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam, bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế của năm 2023 vẫn được kéo dài đến năm 2024. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được dự báo giảm nhẹ, cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Trong khi lạm phát được dự báo vẫn ở mức cao, thậm chí có thể cao hơn năm 2023, do đó việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ khó khăn và đòi hỏi sự linh hoạt hơn.
Trên cơ sở đó, để đạt được mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2024, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất tập trung vào một số giải pháp, bao gồm: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó cần đặc biệt tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, cần thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hoá dịch vụ.