Tăng vốn điều lệ để đảm bảo an toàn vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh
Đơn cử như Techcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu; PGBank thống nhất đưa vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng; Seabank đặt mục tiêu tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng; LPBank tăng lên 8.000 tỷ đồng; Vietcombank tính phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 77.500 tỷ đồng… Gần nhất, tại đại hội đồng cổ đông diễn ra hôm nay, 23/4, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) cũng đã trình phương án tăng vốn từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế về vốn điều lệ, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn ở mức tốt. Đại diện MSB chia sẻ: “Bên cạnh nâng cao bộ đệm rủi ro, việc tăng vốn còn tạo thêm nguồn lực thúc đẩy mạnh hơn tiến trình số hóa cũng như các dự án phục vụ chiến lược phát triển bền vững trong hành trình xanh hóa ngân hàng”.
MSB đặt mục tiêu thận trọng với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023 |
Theo đó, trong kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2024 và phương án tăng vốn điều lệ được đưa ra đại hội, MSB đặt mục tiêu thận trọng với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 18%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Song song với mục tiêu về tăng trưởng, MSB cũng bám sát việc kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%.
Lãnh đạo MSB cho biết, định hướng năm 2024, ngân hàng chú trọng hoạt động quản lý và đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn chi phí thấp thông qua việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn và các nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế. Về CASA, trong 05 năm gần đây, tỷ trọng CASA/tổng tiền gửi luôn là điểm nhấn của MSB trên thị trường khi luôn nằm trong top 5 ngân hàng sở hữu chỉ số này cao nhất, dù lãi suất huy động biến động trong một thời gian dài.
Để đạt kết quả này, ngân hàng dựa trên ba yếu tố chính: Sản phẩm và dịch vụ “thuận ích” được “may đo” dựa trên nhu cầu thực của khách hàng và phân chia theo phân khúc; đưa giá trị tăng thêm khi khách hàng sử dụng một sản phẩm, mang đến những gói ưu đãi hấp dẫn, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận hạn mức tín dụng phê duyệt trước; nâng cao trải nghiệm khách hàng qua nền tảng số hóa, mang tới hành trình tiếp cận, sử dụng sản phẩm – dịch vụ nhanh chóng và tiện ích hơn.
Được biết, phát triển đa dạng sản phẩm và danh mục khách hàng, dự án tài chính xanh, tài chính bền vững cho cả hai cấu phần tài sản nợ - tài sản có, phù hợp với các chuẩn mực, nguyên tắc, thông lệ quốc tế tốt nhất là định hướng đang được ngân hàng triển khai.
Đồng thời, MSB cũng nghiên cứu và xây dựng khung khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng tài trợ cho khách hàng lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp, doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Đây là cơ sở quan trọng để MSB thu hút nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế.