Tạo không gian, thị trường cho hoàn thiện chính sách công nghiệp hỗ trợ phát triển
Trước năm 2015, các hành lang pháp lý để phát triển CNHT ban hành còn chậm, hiệu lực, hiệu quả còn nhiều hạn chế... Như năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CHHT; và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.
Tuy nhiên, theo đánh giá, các chính sách này chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm CNHT hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, các DN CNHT Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi, do các DN không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra. Theo Bộ Công Thương, sau 4 năm thực hiện, chỉ có một DN FDI duy nhất được hưởng chính sách này và mục tiêu của họ nhằm ưu đãi về thuế thu nhập DN.
Đến năm 2015, Chính phủ mới ban hành khung pháp lý quan trọng dưới dạng Nghị định làm cơ sở để triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách, hoạt động khuyến khích, thu hút đầu tư, trợ giúp các DN trong lĩnh vực CNHT phát triển. Đặc biệt, năm 2017, mới ban hành Chương trình phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2025 nhằm hỗ trợ các DN. Trong đó, có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi gồm: Dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT công nghệ cao.
Theo đó, các chính sách quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, gồm: Chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ… Thông qua Chương trình phát triển CNHT, các DN được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực; kết nối với các tập đoàn đa quốc gia tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung cứng của các DN FDI…
Đánh giá của Bộ Công Thương, sau 3 năm triển khai Nghị định số 111/2015/NĐ-CP đã thu được những kết quả nhất định, các chính sách phát triển CNHT và chính sách ưu đãi đối với CNHT ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, vướng mắc mà các quy định hiện hành của pháp luật chưa thể giải quyết để tạo ra cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Như, chính sách thu hút các DN FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam; mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi các DN sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các DN vừa và nhỏ chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn gặp nhiều vướng mắc, đó là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ qua hệ thống ngân hàng, chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong CNHT; các cơ chế ưu đãi về tín dụng, đầu tư, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách CNHT chưa được cụ thể hóa. Việc thiếu các cơ chế này khiến cho DN CNHT khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi; công tác thực thi chính sách về CNHT hạn chế chưa tạo ra các chế tài chặt chẽ buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai.
CNHT là ngành đặc thù, chủ yếu do hệ thống DN vừa và nhỏ đảm nhiệm nhưng đòi hỏi vốn, kỹ thuật và nhân lực rất cao so với các ngành sản xuất khác. Đặc biệt, là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đầu tư nước ngoài. Do đó, theo Bộ Công Thương, mặc dù chủ yếu nằm ở trung nguồn của chuỗi giá trị, các ngành CNHT đòi hỏi các chính sách toàn diện, không chỉ trực tiếp vào DN sản xuất CNHT, mà cả các chính sách hiệu quả cho khu vực thượng nguồn là sản xuất vật liệu, chính sách tạo dựng thị trường hạ nguồn và liên kết với người mua là các ngành lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Dựa trên tình hình thực tế đó, để ngành CNHT phát triển bứt phá cần sớm xây dựng chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo đề xuất, thời gian tới cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP liên quan đến phạm vi CNHT, làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi, rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, như: cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện tử… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển, gồm các chính sách về thị trường, phòng vệ thương mại, chính sách hỗ trợ DN, nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam để có thể phát triển ổn định, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước… ngành CNHT được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhất. Tuy nhiên, để có bước nhảy vọt cho CNHT cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. |