Bán lẻ trực tuyến - xu hướng tăng dần đều
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (KTS), Bộ Công Thương - TMĐT Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây. Quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/năm. Năm 2018, TMĐT đã tạo bước đột phá bằng doanh thu “Ngày mua sắm trực tuyến” - một trong những hoạt động thuộc Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 được Bộ Công Thương triển khai.
Ngày hội Mua sắm trực tuyến thu hút đông doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia |
Khẳng định ưu điểm của mua sắm trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 5 lần triển khai, chương trình đã có sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, thể hiện qua DN tham gia ngày càng đông; số lượng sản phẩm, đơn hàng và doanh số tăng trưởng qua mỗi năm. Bên cạnh đó, Online Friday đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển đột phá của TMĐT cũng như nền KTS của Việt Nam. “Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để cộng đồng DN chung tay xây dựng những giải pháp hướng đến người dân, người tiêu dùng, xây dựng niềm tin trong giao dịch TMĐT nói riêng và xu hướng giao dịch số trong thời gian tới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo Cục TMĐT & KTS, TMĐT trên nền tảng di động ngày càng chiếm ưu thế, tỷ lệ người mua sắm qua thiết bị di động đã tăng từ 6% năm 2013 lên 41% năm 2017, các website có phiên bản di động cũng tăng từ 15% năm 2013 lên 72% năm 2017…
DN - lực lượng nòng cốt triển khai TMĐT
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, việc phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối, nâng cao sức cạnh tranh của DN để mở rộng thị trường là một trong những mục tiêu TMĐT cần hướng tới.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Đặng Hoàng Hải cho biết: Để đưa kim ngạch TMĐT tăng mạnh trong năm 2019, ngoài triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạchtổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai các đề án thuộc Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 cũng là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ DN nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, mở rộng kênh phân phối và tìm kiếm những phân khúc thị trường mới nhằm tăng doanh số bán hàng, góp phần vào việc tăng kim ngạch TMĐT chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển TMĐT năm 2019, ứng dụng TMĐT vào thực tiễn hiệu quả nhất để hỗ trợ DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thách thức cao. “DN, ngành hàng cần có sự định hướng, giúp đỡ của các cấp chính quyền trong việc tham gia vào thị trường TMĐT, đây là điều kiện tiên quyết. Cục TMĐT & KTS phải là đầu mối kết nối với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.
Riêng với “Kế hoạch tổng thể phát TMĐT giai đoạn 2016 - 2020”, ngành TMĐT sẽ tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho TMĐT; phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT; phát triển TMĐT tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về TMĐT.
DN sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai TMĐT, nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển. Do vậy, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho DN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT.
Ngoài ra, năm 2019, Cục TMĐT & KTS tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia. Một số đề án trọng điểm nhằm hỗ trợ DN sẽ tiếp tục được triển khai, chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho DN và tổ chức một số hoạt động kích cầu TMĐT cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu TMĐT của Việt Nam, giúp DN TMĐT bắt kịp với xu hướng công nghệ số toàn cầu.
Bộ Công Thương xác định, TMĐT là cách thức kinh doanh ngày càng quan trọng không chỉ với DN mà với cả các cá nhân. Các hiệp định quốc tế đều đề cập sâu đến TMĐT, đòi hỏi lĩnh vực này phải phát triển nhanh và sâu hơn nữa. |