Năm 2025 giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 33 tỷ USD
Theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2018, giá trị TMĐT của Việt Nam đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD và với tốc độ phát triển hiện nay, dự kiến năm 2025, giá trị TMĐT sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Môi trường kinh doanh cho TMĐT cần cởi mở hơn nữa |
Ông Trần Trọng Tuyến - Tổng Thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng khoảng trên dưới 30%/năm thì năm 2020 TMĐT Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị 13 tỷ USD.
Mặc dù TMĐT đang rất phát triển, nhưng theo khảo sát của Bộ Công Thương, chỉ có 61% đơn vị có ứng dụng trên điện thoại di động, đây là điều đáng tiếc khi việc mua bán qua ứng dụng ngày càng nhiều, nhất là khi có tới 72% dân số Việt Nam dùng smartphone.
Ngoài ra, ông Đặng Hoàng Hải cho hay, thách thức lớn nhất của TMĐT ở Việt Nam là giao dịch tiền mặt nhận hàng (COD) chiếm 88% tổng số giao dịch năm 2018, tăng 2% so với năm 2017. Điều này làm xói mòn lòng tin giữa người mua và người bán, người mua không tin tưởng chất lượng hàng hóa của người bán, đối với người bán hàng khi giao dịch COD thì khả năng từ chối nhận hàng cao. "Về lâu dài, chúng ta phải giải quyết được bài toán này để tạo sức bật cho TMĐT ở Việt Nam", ông Đặng Hoàng Hải nêu quan điểm.
Những trở ngại của TMĐT ở Việt Nam còn bao gồm sản phẩm kém chất lượng hơn so với quảng cáo (83%), chăm sóc khách hàng kém (47%), lo ngại thông tin bị tiết lộ (43%)... “Đây là những trở ngại mà các trang TMĐT ở Việt Nam cần khắc phục, như nâng cao chất lượng hàng hóa hay hoàn thiện cơ sở pháp lý để người dân tin tưởng”- Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số đề xuất.
Tập trung các giải pháp trọng tâm
Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ - cho biết, môi trường kinh doanh TMĐT tại Việt Nam dù đã thay đổi nhiều nhưng chưa đủ, cần phải cởi mở hơn nữa.
Cụ thể, trong ba bốn năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp trẻ kinh doanh TMĐT đã sản xuất được hàng hóa và bán trên các trang thương mại của mình nhưng quy trình để đăng ký thương hiệu quá lâu, phải mất tới 6 tháng để đăng ký thương hiệu Việt Nam. Nên, nếu cơ quan quản lý (Bộ Công Thương) rút ngắn được quy trình này sẽ giúp các doanh nghiệp TMĐT phát triển và cũng góp phần gỡ bỏ "rào cản" trong việc hạn chế lĩnh vực TMĐT phát triển.
Để TMĐT phát triển thúc đẩy kinh tế số, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những mục tiêu chính gồm: Xây dựng kết cấu hạ tầng; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển các sản phẩm, giải pháp; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động phát triển TMĐT.
Chương trình tổng thể TMĐT Việt Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ hướng trọng tâm vào 3 nội dung gồm: Phát triển độ phủ TMĐT về khu vực vùng sâu, vùng xa, coi đó là yếu tố để xóa đói giảm nghèo cho người dân; cải thiện chất lượng TMĐT từ hàng hóa, dịch vụ cho đến công nghệ để tạo lòng tin cho người dùng; phát triển hàng Việt chất lượng cao… |