Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam khánh thành trạm sạc xe điện Vinfast đầu tiên tại tỉnh Hà Giang Ngày này năm xưa 12/1: Thành lập Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam |
Năm 2022 được đánh giá là năm vô cùng khó khăn, thách thức đối với Tập đoàn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex khi phải chịu tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố khách quan, bất khả kháng dẫn đến kết quả, hiệu quả chung không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, với sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, sự định hướng, quản trị đúng đắn của Hội đồng quản trị, sự điều hành quyết liệt của Ban Tổng giám đốc cùng sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực của toàn hệ thống từ Công ty mẹ cho đến các đơn vị thành viên, nhiều giải pháp, biện pháp đã được triển khai đồng bộ, linh hoạt, thích ứng nhanh. Nhờ đó, Tập đoàn đã đảm bảo tốt vai trò chủ đạo trong việc bình ổn thị trường xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong những thời điểm căng thẳng về nguồn trong năm 2022.
Chứng kiến thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nói riêng có nhiều biến động bất thường trong năm 2022, tạo áp lực lớn cho Tập đoàn do nhu cầu toàn xã hội dồn về hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex... Tuy nhiên, với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước, Petrolimex duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và cấp nguồn cho hệ thống cửa hàng thương nhân nhượng quyền theo tiến độ và số lượng đã ký kết từ trước. Để phục vụ lượng khách hàng tăng đột biến nêu trên, Petrolimex đã phải căng mình trong tất cả các công đoạn để đưa từng lít xăng dầu đến tay người tiêu dùng: Từ khâu tạo nguồn, đến hoạt động vận chuyển từ kho, cảng về các cửa hàng xăng dầu và cuối cùng là bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Mỗi khâu đều thấm đẫm nhưng giọt mồ hôi cùng sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Petrolimex.
Năm 2022 cũng là năm cho thấy được khả năng vượt khó đi lên của các doanh nghiệp sau giãn cách.Petrolimex tiếp tục nỗ lực phát huy bản lĩnh của doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 trên sàn chứng khoán, luôn kiên định với định hướng nâng cao chất lượng quản trị, duy trì được sự ổn định và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đây cũng là năm năm Tập đoàn tăng cường công tác quản trị và là lần thứ 6 liên tiếp được Forbes vinh danh là Top các công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, quán quân doanh thu trên sàn chứng khoán (300 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt, “Báo cáo phát triển bền vững” của Tập đoàn được vinh danh là 1 trong 10 báo cáo tốt nhất, chất lượng nhất trên toàn thị trường. Điều này càng khẳng định rõ nét tầm nhìn và định hướng phát triển bền vững của Petrolimex về mặt dài hạn với sự dần chuyển dịch hài hòa từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang “kinh doanh có trách nhiệm”; trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với quốc gia, với cổ đông và với môi trường.
Năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới phải đối mặt với nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng dao động ở mức 6,5% kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước năm 2023 có thể sẽ tăng lên tương ứng. Thị trường xăng dầu vẫn được dự báo còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đối với Tập đoàn, năm 2023 được xác định là năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025. Cùng ới dự báo tình hình có nhiều yếu tố không thuận lợi, đòi hỏi toàn Tập đoàn cần phải nỗ lực, triển khai quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn để phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023.
Trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình năm 2023, Petrolimex đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành thắng lợi là: Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình sản xuất, kinh doanh là mục tiêu hàng đầu; Tổ chức tốt công tác tạo nguồn, bán hàng, chính sách kinh doanh để đảm bảo vai trò bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Triển khai các nội dung cụ thể tại Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035 và Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; Đẩy mạnh các đề án ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa tại kho và cửa hàng xăng dầu, tư vấn chuyển đổi số,… để tăng cường năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và gia tăng năng suất lao động; Triển khai các đề án, định hướng về phát triển CHXD, tối ưu đường vận động hàng hoá (DOC), phát triển trạm dịch vụ xe tải, trạm sạc pin xe điện…
Những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên sẽ được Petrolimex triển khai thông qua các giải pháp sau:
Thứ nhất, đảm bảo nguồn: Đàm phán với nhà máy lọc dầu trong nước để hoàn thành việc ký kết các hợp đồng term; chủ động tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu có tính cạnh tranh về giá, thuế; tối ưu hóa đường vận động hàng hóa từ kho đến các cửa hàng xăng dầu, hoàn thành xây dựng ngày tồn kho định hướng nhằm đảm bảo dự trữ hợp lý.
Thứ hai, kinh doanh và hỗ trợ kinh doanh: Tăng cường công tác dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản điều hành tổ chức kinh doanh bán hàng đối với các tình huống bất thường có thể xảy ra; phát triển hệ thống thương nhân nhượng quyền có chọn lọc, đồng thời xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ, chính sách kinh doanh, nhận diện thương hiệu, công nghệ thông tin… theo hướng chuẩn hóa, đóng gói; tập trung mở rộng phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu đặc biệt trên các tuyến cao tốc, trục lộ, tỉnh lộ, thành phố lớn...
Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật: Triển khai công tác nhận diện thương hiệu mới tại hệ thống cửa hàng xăng dầu cho giai đoạn 2; tiếp tục triển khai và đảm bảo tiến độ các Dự án trọng điểm: Petrolimex Tower, nâng sức chứa kho Đỗ Xá, Cam Ranh, Nghi Hương; Dự án nâng cấp cải tạo các tuyến đường ống chạy qua Hải Dương và tuyến B12 …
Thứ tư, ứng dụng công nghệ, tự động hoá, chuyển đổi số: Tăng cường công tác quản trị, tiến hành số hóa các quy trình nghiệp vụ phục vụ cho quản trị nội bộ; tập trung đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, mở rộng các module nhằm khai thác tối đa hiệu quả dữ liệu của các hệ thống ERP, EGAS, BI, hoá đơn điện tử…. Xây dựng công cụ, dashboard dữ liệu điều hành tập trung các thông tin trọng yếu; gia tăng trải nghiệm khách hàng thông qua việc hoàn thiện App Petrolimex, Petrolimex ID…
Thứ tư, công tác quản lý tài chính:Quyết liệt triển khai và hoàn thành ứng dụng hóa đơn điện tử theo từng giao dịch; hoàn thiện phần mềm SAP-ERP và EGAS; tiếp tục rà soát các khoản mục chi phí lớn và triển khai các giải pháp tiết giảm hiệu quả.
Thứ năm, công tác quản lý, quản trị: Xây dựng Quy chế quản lý kho; đẩy mạnh công tác truyền thông để khẳng định vai trò, vị trí của Petrolimex trong bảo đảm an ninh năng lượng cũng như văn hóa, dịch vụ mang thương hiệu Petrolimex.
Thứ sáu, đối với các tổng công ty/công ty cổ phần, TNHH: Tăng cường tính liên kết, hỗ trợ giữa Công ty mẹ - Tập đoàn với các tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có phần vốn góp của Tập đoàn để phát huy tính hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn ngành; kết nối đồng bộ với Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 của Tập đoàn, hướng tới việc cùng tạo dựng và khai thác triệt để “cơ sở dữ liệu lớn” (Big Data) chung.
Phát biểu chỉ đao tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, nỗ lực của cán bộ, người lao động Petrolimex; đồng thời tin tưởng rằng với truyền thống 67 năm tiên phong, dẫn dắt thị trường kinh doanh xăng dầu, Petrolimex sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, nhất trí phát huy những thành tích, ưu điểm, truyền thống đã được đạt để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra cho năm 2023, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.