Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, ngày 30/6/2019, Hiệp định EVFTA đã được ký kết. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã chủ động tích cực triển khai xây dựng Thông tư, đến tháng 10/2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo lần 1, đăng trên trang Web của Bộ Công Thương để lấy ý kiến. Trong giai đoạn Covid-19, Bộ Công Thương đã họp trực tuyến hàng tuần với EU, Hàn Quốc, Tổng cục Hải quan… rồi tiến hành tiếp thu ý kiến và tổng hợp lại. Đến 20/5/2020, Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA đã được thẩm định xong và sẵn sàng ban hành.
Tại buổi tập huấn, bà Hiền đã thông tin với trên 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội về những nội dung chính của Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA. Bà Hiền cho biết, cơ chế xác minh xuất xứ của EU thường xác minh hồ sơ trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, tuy nhiên, nếu phát hiện ra điều gì không đúng với hồ sơ, EU sẽ đi điều tra thực tế, và khi đó thời hạn xác minh xuất xứ sẽ là 10 tháng.
Để có thể khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần biết cách đọc và hiểu quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) trong EVFTA. Chẳng hạn: Tiêu chí xuất xứ khác nhau áp dụng đối với hàng hóa khác nhau thuộc cùng mã số HS; hạn mức tối đa nguyên liệu không có xuất xứ; khi nào thì được phép chuyển đổi mã số hàng hóa; các quy định cục thể đối với từng mặt hàng như: dệt may, xăng dầu…,
Với những thông tin cập nhật về Hiệp định EVFTA, Thông tư quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, quy tắc cụ thể về mặt hàng theo EVFTA; cơ chế chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng xuất khẩu của Việt Nam đi các nước EVFTA; so sánh quy tắc xuất xứ hàng hóa EVFTA, GSP và một số AFTA mà Việt Nam tham gia, một số vấn đề lưu ý khi triển khai quy tắc xuất xứ EVFTA…
Chương trình đã mang lại những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp trong việc tận dụng khai thác hiệu quả những cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại.