Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo |
Kết quả tích cực
Báo cáo của Vụ Tiết kiệm Năng lượng & Phát triển bền vững- (Bộ Công Thương) cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm 5,96% trên tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm sử dụng trên 11,8 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015: Ngành thép giảm 8,09%; ngành xi măng giảm 6,33%; ngành dệt sợi giảm 7,32%.
Trong khuôn khổ dự án Dự án Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE), Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình VA) đã được triển khai rất thành công với 7 doanh nghiệp tham gia kí kết thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng với Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp đến từ các ngành, lĩnh vực khác nhau như: dệt may, giấy, đồ uống, thực phẩm... và nằm ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Các doanh nghiệp đã cam kết cắt giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm hoặc cam kết thực hiện theo số lượng các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất sau kiểm toán chi tiết.
Đánh giá cao việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực liên tục để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, bắt đầu từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2006 đến năm 2010 và giai đoạn 2 từ năm 2011 đến năm 2015. Để thể chế hóa chính sách của Nhà nước về thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội khóa 12 thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2011.
Theo đó, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Luật cũng đã và đang được xây dựng, kiện toàn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình, hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam hiện nay vẫn còn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. “Tăng trưởng công nghiệp là một trong những yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới”- Thứ trưởng nêu rõ.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn năng lượng quốc tế, các trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh cùng đại diện các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp |
Sớm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng
Nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng dự án hỗ trợ thực hiện tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm, đó là Dự án: “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp Việt Nam”.
Dự án có tổng kinh phí 158 triệu USD, trong đó WB cung cấp 100 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế để hỗ trợ đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và 1,7 triệu USD để thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án. Dự án đã chính thức có hiệu lực từ ngày 29/12/2017 và sẽ được thực hiện đến tháng 7 năm 2022.
“Dự án kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ các rào cản, tạo môi trường thuận lợi và bền vững để các doanh nghiệp công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường ở Việt Nam”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo |
Thứ trưởng lưu ý, đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm đáng kể nhu cầu năng lượng ngày càng cao với chi phí chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí đầu tư thêm nguồn cung cấp năng lượng mới. Theo nghiên cứu của VEEP (Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Tính theo ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than là 25%, ngành dệt/may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%, chế biến thực phẩm là 20%...
Đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng & Phát triển bền vững đề xuất, cần tăng nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 2018-2020. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần nhận thức được vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị bởi trên thực tế, lợi ích của việc quản lý năng lượng luôn cao hơn so với chi phí đầu tư và lợi nhuận thu được từ tiết kiệm có thể bù đắp cho chi phí đầu tư chỉ trong một thời gian không lâu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ về chính sách, nguồn tài chính cùng với chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài.