Tập trung gỡ khó
- Sản xuất, xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc
Theo báo cáo tại hội nghị, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm của toàn vùng tăng khoảng 8,74% so cùng kỳ, đạt 371.944 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ, chiếm 20% so cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 7,851 tỷ USD, tăng 6,94% so cùng kỳ, chiếm 8,13% so với cả nước.
Những tháng cuối năm, ngành Công Thương khu vực ĐBSCL tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đạt các chỉ tiêu của năm 2013 như: Duy trì tốc độ ổn định và đẩy mạnh phát triển sản xuất; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 510.660 tỷ, đồng tăng 18% so với năm 2012; kim ngạch xuất khẩu đạt 11,094 tỷ USD tăng 13% so với năm 2012.
Bà Mai Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - cho biết: “An Giang có lực lượng DN chế biến nông, thủy sản xuất khẩu hùng hậu và xuất khẩu sang 139 nước trên thế giới. Cụ thể có 16 DN chế biến xuất khẩu gạo, 17 DN chế biến thủy sản. Các DN không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, sản xuất theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm”.
Tại hội nghị nhiều đại biểu đề xuất, để vùng ĐBSCL phát triển cần hỗ trợ thực hiện các dự án, đề án như: Sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ cao bảo quản sản phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất, hỗ trợ địa phương khi tham gia các chương trình hợp tác song phương, đa phương, góp phần giảm áp lực cạnh tranh cho DN. |
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Tại hội nghị, một số đại biểu đề xuất, hiện nay giá lúa gạo, cây trái bấp bênh, nên chăng hình thành sàn giao dịch lúa gạo và trái cây hoạt động như sàn chứng khoán do nhà nước quản lý. Ông Huỳnh Văn Gành - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang - kiến nghị: “Hiện nay đường thủy, đường bộ của vùng ĐBSCL yếu kém nên chưa thu hút được đầu tư từ DN trong và ngoài nước. Đơn cử như cầu trên quốc lộ yếu, có cầu trọng tải 35 - 40 tấn, gây bất lợi và tăng chi phí cho DN trong vận chuyển hàng hóa”. Ngoài ra theo ông Gành, lâu nay trên 90% mặt hàng gạo, thủy sản là xuất khẩu thô, nên giá trị tăng rất thấp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm và năm 2014. Về lĩnh vực công nghiệp cần xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn và giải quyết nợ xấu. Tham mưu kịp thời các chính sách bình ổn thị trường, đảm bảo cung - cầu hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ DN mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, thực hiện tốt thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết của DN khi tiếp cận các quy định của quốc tế. Phát huy thế mạnh của từng địa phương, có chính sách thúc đẩy DN cải tiến công nghệ, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng. Không ngừng cải tiến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài gắn với việc giám sát bảo đảm an ninh kinh tế…
Kim Thư