Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất |
Theo đánh giá từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, những năm qua với định hướng tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có lợi thế về vùng nguyên liệu, khuyến công Bắc Kạn đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất trong các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (trung tâm) cũng hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp CNNT hoàn thiện mẫu mã bao bì và phát triển thương hiệu sản phẩm, xây dựng nhiều chính sách hấp dẫn. Theo đó đã khuyến khích được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, tham gia vào lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Năm 2016, trung tâm đã thực hiện và hoàn thành 14 đề án với tổng kinh phí 1,290 tỷ đồng. Với 13 đề án khuyến công địa phương được triển khai, trung tâm đã giúp các cơ sở CNNT quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tiêu biểu như: Đề án “Tổ chức tham gia các hội trợ triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm CNNT của tỉnh Bắc Kạn”; “Hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm” tại huyện Ba Bể; “Hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm” tại huyện Na Rì, Chợ Đồn và huyện Bạch Thông…
Năm 2017, khuyến công Bắc Kạn tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển sản xuất trong các lĩnh vực có lợi thế về vùng nguyên liệu như: Chế biến nông- lâm sản, vật liệu xây dựng… |
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác khuyến công của tỉnh còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai. Một số đề án trong năm vừa qua đã không thực hiện được do đơn vị thụ hưởng thay đổi kế hoạch đầu tư buộc phải ngừng triển khai, đã ảnh hưởng tới việc hoàn thành kế hoạch. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực chuyên môn hạn chế khiến việc tư vấn, hướng dẫn xây dựng đề án kém hiệu quả. Sản phẩm CNNT của tỉnh chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu là sản phẩm chế biến từ nông - lâm sản, nhiều sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, bao bì và chưa có chỗ đứng trên thị trường. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng thấp…
Để khắc phục những tồn tại trên và phát huy hơn hữa hiệu quả hoạt động, khuyến công Bắc Kạn đã xây dựng nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các đề án theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác khảo sát cơ sở CNNT nhằm xây dựng đề án có tính khả thi cao, hiệu quả rõ rệt. Theo sát và phối hợp với đơn vị thụ hưởng nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh, đảm bảo chất lượng đề án.
Huy động thêm nguồn vốn đầu tư cho chương trình khuyến công, khuyến khích mọi thành phần tham gia, thụ hưởng. Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác khuyến công tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là lớp nâng cao năng lực xây dựng, tổ chức và thực hiện các chương trình, đề án. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng và giữ gìn, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp.
Sở Công Thương tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh liên kết, trao đổi thông tin với các địa phương trong khu vực, nhất là các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nhằm học hỏi kinh nghiệm, tìm ra phương thức phù hợp, hiệu quả nhất cho triển khai chương trình khuyến công.