Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lộ trình tắt sóng 2G Tắt sóng 2G, những chiếc điện thoại Vertu tiền tỷ sẽ thành “cục gạch” Nhiều biện pháp triển khai thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G |
Chủ trương dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận
Sáng 18/7/2024, Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?".
Tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?" |
Trên thế giới trong những năm gần đây số lượng các nhà khai thác dừng công nghệ 2G tăng lên đáng kể và tất cả các nước đều lên kế hoạch dừng cả 2 công nghệ này vào năm 2030 theo báo cáo của GSA.
Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2024, theo thông tin thu thập được, có khoảng 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G. Trong đó, Châu Mỹ có 25 quốc gia; Châu Á có 7 quốc gia; Châu Âu có 4 quốc gia, Châu Đại Dương có 1 quốc gia; Châu Phi chưa có quốc gia nào tắt hoàn toàn mạng 2G.
Công nghệ 2G đã 30 tuổi và 3G gần 20 năm tuổi hiện là những công nghệ lỗi thời và mạng cần được hiện đại hóa.
Công nghệ 4G, 5G và sắp tới là 6G là sự phát triển tiếp theo của mạng di động và cung cấp các tùy chọn tối ưu hóa bao gồm tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu quả hoạt động.
Các mạng 2G, 3G này được thiết kế để sử dụng dữ liệu cơ bản và giọng nói. Công nghệ ngày nay đã sớm vượt xa khả năng mạng của họ và họ không thể hỗ trợ các ứng dụng dữ liệu tốc độ cao như truyền phát video và các công nghệ mới nổi như Internet of Things (IoT).
Với xu hướng trên thế giới và thực tế triển khai mạng và sự phát triển dịch vụ, tại Việt Nam cả 2 công nghệ 2G và 3G đều đã được xây dựng kết hoạch dừng. Với 2G thì thực hiện theo 2 giai đoạn 2024 và 2026 còn 3G thì 2028.
Qua nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ, tuy nhiên, 2G là công nghệ cũ hơn; hầu hết thiết bị mạng 2G của các doanh nghiệp di động đã hết khấu hao, đa phần là các thiết bị lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu suất sử dụng tần số không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa.
Do vậy, chủ trương dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận và thể hiện tại thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz. Ngoài ra, dựa trên việc triển khai mạng 3G, việc sử dụng tần số của doanh nghiệp, hiện nay đã có doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch dừng công nghệ 3G
Việc dừng công nghệ 2G theo 2 pha cụ thể như sau: Pha 1 - Tháng 9/2024 dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only). Pha 2 - Tháng 9/2026 dừng hệ thống 2G.
Hiện nay, các doanh nghiệp dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G tại các khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G. Việc dừng hoàn toàn công nghệ 3G sẽ được thiện vào tháng 9/2028.
Dừng công nghệ 2G đem lại nhiều lợi ích
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư về quy hoạch băng tần 1800 MHz và Thông tư số 04 về quy hoạch băng tần 900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam là sở cứ pháp lý cho lộ trình dừng công nghệ di động cũ.
Căn cứ 2 thông tư nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không cấp phép lại sử dụng các băng tần 900MHz/1800MHz nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G Only) hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc dừng công nghệ 2G đem lại lợi ích cho người dân, xã hội và các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với người dân: Người sử dụng đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G sẽ được nhà mạng hỗ trợ qua các hình thức hỗ trợ tiền mua đầu cuối là thiết bị đầu cuối thông minh, hỗ trợ các gói cước sử dụng dữ liệu có nhiều tính năng hiện đại hơn thích hợp với công nghệ mới.
Với việc sử dụng thiết bị thông minh, người sử dụng có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng khi truy cập Internet.
Đối với doanh nghiệp: Việc tắt công nghệ 2G và tương lai gần là 3G sẽ giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp; nguyên tần số vô tuyến điện, hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng thụ động, nguồn nhân lực sẽ tập trung cho nâng cao chất lượng, vùng phủ mạng 4G hiện nay và tập trung đầu tư phát triển công nghệ 5G.
Dự kiến tăng lưu lượng dữ liệu di động khi dừng công nghệ 2G sẽ giúp tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp viễn thông, đồng thời tăng doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, dịch vụ ứng dụng viễn thông và tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và cung cấp thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ mới.
Đối với nhà nước: Việc không khai thác các mạng sử dụng công nghệ lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính, dần từng bước triển khai mạng di động sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Số lượng thuê bao 2G only đã giảm đáng kể
Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế được các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng; chú trọng phát triển hạ tầng tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, cụ thể triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông đảm bảo đến năm 2025, đạt 100% thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G theo Quyết định số 816/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 về ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024- 2025.
Ngoài ra, với việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tắt sóng 2G, số lượng thuê bao 2G Only đã giảm đáng kể, tính đến thời điểm tháng 5/2024, số thuê bao 2G Only còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc.
Hiện nay, theo kế hoạch thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G các doanh nghiệp di động đã báo cáo dự kiến số thuê bao 2G Only đến tháng 9/2024 giảm về 0 hoặc còn số lượng chiếm dưới 5% tổng số thuê bao di động của doanh nghiệp. Để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng nghị định hướng dẫn luật viễn thông để triển khai việc hỗ trợ qua quỹ viễn thông công ích.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động ngoài việc thực hiện giải pháp hỗ trợ thuê bao 2G Only phải xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cá thể hóa công tác truyền thông và hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với các Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh thành phố tham mưu cho lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố sử dụng các nguồn hợp pháp trên địa bàn đề hỗ trợ người sử dụng đặc biệt là người sử dụng yếu thế.
Bộ đang và sẽ tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Truyền thông tới từng thuê bao; có giải pháp hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng đặc biệt là người dùng yếu thế như người già, người có thu nhập thấp; người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.