Tây Nguyên: Nguy cơ xóa sổ lan rừng
Lan rừng bày bán khắp nơi Ảnh: Quang Hưng |
Lan rừng ngập phố
Hoa lan Việt Nam có gần 1.000 loài được chia làm hai dòng là phong lan có hoa nở bốn mùa (sống trên những thân cây) và địa lan thường nở hoa vào mùa xuân (sống trên gành đá). Lan là loài hoa vương giả, có nét đẹp mê hồn nên được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa. Giới chơi lan chuyên nghiệp vẫn thích chơi phong lan bởi lẽ hương sắc thanh khiết, ý nhị…
Chỉ với giá 30- 50.000 đồng người chơi có thể sở hữu một khóm lan về trồng, khóm lớn hơn có giá từ 70 -100 ngàn đồng. Sau khi mua lan về, người dân thường mang cắt tỉa bớt rễ già rồi cho vào các loại chậu đất nung, chậu nhựa, gỗ để trồng kèm theo xơ dừa, than củi… hoặc ghép vào một thân cây sống, gốc cây khô khác, tùy theo sở thích, sau đó tưới nước theo định kỳ là dò lan có thể sống và phát triển. Việc trồng lan rừng trở thành thú chơi tao nhã của nhiều gia đình. Điểm độc đáo của lan rừng là vừa có sắc thắm vừa thoảng hương thơm. Đối với lan nhập ngoại tuy sắc màu rực rỡ nhưng rất hiếm loài có hương. Lan rừng được bày bán trên vỉa hè, không chỉ bán theo khóm, ở một số điểm còn bán theo kg, trung bình các loại lan có giá từ 150 -250 ngàn đồng/kg, tùy theo từng loại lan khác nhau. Chính điều này đã khiến thú chơi lan rừng ngày càng phát triển.
Người xưa thường quan niệm “vua chơi lan, quan chơi trà” bởi thú chơi lan thường chỉ dành cho giới vua chúa, vương tộc. Ngày nay, khi cuộc sống được cải thiện, thú chơi này dần được “bình dân hóa”, do đó nhiều người dân ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang rộ lên phong trào chơi lan rừng. Tuy nhiên, những loại lan bán dọc đường phố đa số đều là lan rừng, loại lan này bị khai thác quá mức ở những cánh rừng sâu khiến chúng có nguy cơ cạn kiệt. |
Nguy cơ cạn kiệt
Có cầu ắt có cung, để phục vụ nhu cầu của người chơi hoa lan, hiện nay ở Tây Nguyên còn xuất hiện nhiều thương lái đến mua các loại lan rừng mang về các vùng khác bán.
Chị Hoa - người bán lan rừng tại đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Trước đây, chị thường tự vào rừng kiếm lan rừng về bán, nhưng bây giờ lan rừng ngày càng ít dần, nên để có đủ hàng bán cho khách, chị phải thu gom lan rừng của đồng bào ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông… để bán lại. Thời gian gần đây phong lan rừng được rất nhiều người chuộng mua, có người ở Sài Gòn lên chơi còn mua về làm quà nữa. Hàng ngày chị bán khoảng trên trăm bó, trung bình một bó có giá từ 30 -100 ngàn, tùy theo từng loại lan khác nhau…
Là người có kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với cây lan rừng ở vùng đất Tây Nguyên, ông Bùi Văn Lê, xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, tỉnh Đăk Lăk - bày tỏ: Lan rừng ở Tây Nguyên có hàng trăm loại, trong đó có một số loại quý hiếm như quế hương, bạch ngọc, hồ điệp, nghinh xuân, tóc tiên, ngọc điểm (Đai Châu), Dendro… Do nhu cầu mua bán lan rừng ngày càng cao nên những năm gần đây, loài thực vật xinh đẹp này càng hiếm dần và có nguy cơ biến mất khỏi Tây Nguyên.