CôngThương - Uy tín, vị thế của nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành một trong những vấn đề gây chú ý nhất trên trường quốc tế trong hai thập kỷ qua. Hấp thụ thành công dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp khổng lồ, Trung Quốc đã trở thành đại công xưởng của thế giới với tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao nhất nhì thế giới, trên dưới 10% và vì thế đã nhanh chóng vượt qua hàng loạt tên tuổi trong khối G7 như Italia, Anh, Pháp, Đức và bây giờ là Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ.
Trung Quốc nhận được nhiều dự báo về việc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt Mỹ trong vòng vài chục năm tới. |
Nhiều nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo về những thách thức còn tồn tại với Trung Quốc đằng sau vị trí xếp hạng cực cao trên. Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 10% so với Nhật Bản, chưa bằng một nửa thu nhập trung bình của thế giới và chất lượng cuộc sống của người dân hai nước cũng khác xa nhau. Trung Quốc cũng xếp xa sau Nhật Bản về sự phát triển cân bằng giữa thành thị và nông thôn, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trung Quốc có khoảng 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ theo chuẩn của Liên Hợp Quốc, tức là thu nhập bình quân hàng ngày dưới 1 USD. Và một khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiến về phía trước nhưng thu nhập trung bình không theo kịp thì đó lại thành trở ngại lớn.
Giới chuyên gia cũng đề cập đến khoảng cách ngày càng rộng giữa người giàu, người nghèo, sự phụ thuộc nặng nề vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự thiếu sáng tạo, vấn đề mất cân bằng giữa đầu tư và tiêu dùng và áp lực việc làm là những yếu tố có thể đe dọa đến sự phát triển của Trung Quốc nếu không được giải quyết thích đáng.