Cơ khí chế tạo: sản phẩm thế mạnh của Thái Nguyên
CôngThương - Sản xuất công nghiệp bắt đầu đà hồi phục
Ông Đinh Khắc Hiển- Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên– cho biết, ngay từ đầu năm, đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng từ những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước, ngành Công Thương đã chủ động xây dựng và quyết liệt thực hiện kế hoạch hoạt động của năm 2013. Qua từng tháng, các chỉ tiêu cơ bản (thương mại, dịch vụ, công nghiệp…) dần được cải thiện.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá cố định năm 2010) ước đạt 12.150 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp trung ương (kể cả công nghiệp quốc phòng) ước đạt 7.056 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ; công nghiệp địa phương ước đạt 4.203 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 891 tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ.
Đánh giá về những con số nói trên, ông Đinh Khắc Hiển cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn về vốn, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường… thì 10% tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ đạt được trong 6 tháng qua là kết quả khá, tuy chưa như mong muốn, song đã thể hiển nỗ lực của toàn ngành”.
Các sản phẩn công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào những sản phẩm thế mạnh của địa phương, như: thép cán ước đạt 444 nghìn tấn, tăng 34,7%; sản phẩm may ước đạt 27,5 triệu sản phẩm, tăng 19,8%; điện sản xuất ước đạt 331 Tr.kwh, tăng 14,2%; gạch nung ước đạt 78 triệu viên, tăng 7,3%; than sạch ước đạt 568 nghìn tấn, giảm 2,4%...
Thương mại, dịch vụ chuyển biến tích cực
Cùng với công nghiệp, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng dần hồi phục đà tăng trưởng với con số ước 7.346 tỷ đồng tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội, tăng 30,7% so cùng kỳ
Bên cạnh đó, giá trị xuất, nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Theo đó, giá trị xuất khẩu 6 tháng ước đạt 73 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm đóng góp lớn vào mức tăng trưởng này vẫn là những nhóm hàng truyền thống, thế mạnh của địa phương, như: thiếc tăng 41,7%; may tăng 20%; dụng cụ y tế tăng 10%; giấy đế tăng 9%; dụng cụ cầm tay tăng 5%...
Về nhập khẩu, tính chung 6 tháng, giá trị nhập khẩu ước đạt 164 triệu USD, tăng 5,3% so cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên phụ liệu đầu vào sản xuất (phôi thép; vật liệu chịu lửa; máy móc thiết bị phụ tùng)
Ông Đinh Khắc Hiển nhấn mạnh hai yếu tố là hoạt động xúc tiến thương mại và công tác quản lý thị trường đã đóng góp cho kết quả trên, trong đó yếu tố cơ bản nhất là công tác quản lý nhà nước. Theo đó, ngành Công Thương đã xây dựng và duy trì trang website, Bản tin Kinh tế Công Thương, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Thái Nguyên như những kênh thông tin về thủ tục hành chính, giới thiệu tiềm năm, quảng bá sản phẩm hữu hiệu đến các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với hình thức trực tiếp, Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, hội thảo chuyên đề… cũng với mục đích trên.
Song song đó là thực hiện tốt công tác quản lý thị trường với quyết tâm ngăn chặn hoạt động vận chuyển tàng trữ, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu... đảm bảo làm ”sạch” thị trường. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất và kinh doanh về: Giá cả, chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, việc chấp hành các quy định về VSATTP... nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm tuy khá hơn so với cùng kỳ, song chúng tôi cho rằng, ngành Công Thương Thái Nguyên cần tiếp tục nố lực hơn nữa mới có thể hoàn thành kế hoạch của năm 2013 - ông Đinh Khắc Hiển cho biết, kế hoạch năm nay khá “nặng” với 16% tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp; tăng 21% tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 20% tăng trưởng so với thực hiện 2012".