CôngThương - Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn đang là mục tiêu hướng tới của hoạt động khuyến công Thái Nguyên hiện nay.
Bà Đỗ Thị Hiệp- Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân - TP Thái Nguyên) cho biết, trước đây, các thành viên HTX chủ yếu sao sấy hương và bảo quản chè bằng phương pháp thủ công nên chất lượng hương chè bị hạn chế nhiều. Được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC &TVPTCN) của tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng, HTX quyết định dành kinh phí trên 160 triệu đồng đầu tư máy sấy hương và bảo quản chè của Đài Loan. Từ khi đưa vào sử dụng (tháng 2/2013), với khối lượng sấy mỗi mẻ từ 15-60kg chè, HTX không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian lấy hương so với trước mà còn giúp hương vị chè đồng đều và lưu giữ được lâu hơn. Đồng thời, góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Cùng với mô hình sấy hương chè, TTKC&TVPTCN Thái Nguyên còn hỗ trợ HTX Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi (TP Thái Nguyên) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật xử lý chất thải, tái chế dầu phế liệu thành dầu đốt công nghiệp. Được biết, cứ mỗi tấn dầu nhớt thải vào môi trường sẽ gây ô nhiễm và hủy hoại hoàn toàn sinh thái đối với 1km2 mặt nước hoặc 3 héc ta đất canh tác.Trên địa bàn tỉnh, lượng dầu nhớt thải còn khá lớn nhưng chưa có đơn vị nào đầu tư tái chế thành dầu đốt công nghiệp. Từ nguồn khuyến công Quốc gia, năm 2012, TTKC &TVPTCN tỉnh đã hỗ trợ HTX 250 triệu đồng để thực hiện Dự án trên. Sau khi Dự án hoàn thành, dây chuyền này xử lý được 10 tấn sản phẩm/ngày, tạo việc làm ổn định cho trên 90 lao động trực tiếp của HTX và hàng trăm lao động khác chuyên đi thu gom phế liệu. Dự án này có tính bền vững cao do sản phẩm dầu đốt công nghiệp được tái chế hiện nay có nhu cầu sử dụng lớn, giá thành cạnh tranh, nguyên liệu đầu vào lại không hạn chế. TTKC &TVPTCN đang có kế hoạch nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Ông Phan Bá Trường Từ nguồn vốn khuyến công địa phương khoảng 2,3 tỷ đồng, năm nay TTKC &TVPTCN đang trình phê duyệt 13 đề án về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại góp phần hỗ trợ công nghiệp nông thôn một cách hiệu quả |
Đặc biệt, hoạt động khuyến công còn dành sự hỗ trợ để đào tạo, tập huấn nghề cho lao động ở nông thôn. Năm 2013, nguồn vốn khuyến công Quốc gia đã dành trên 1,7 tỷ đồng hỗ trợ tổ chức 28 lớp đào tạo nghề cho bà con, trong đó có 14 lớp đào tạo nghề may công nghiệp, 14 lớp đào tạo nghề chế biến chè với khoảng 1.000 lao động tham gia. Hiện tại, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã liên kết mở được 12/14 lớp chế biến chè, 4/14 lớp may công nghiệp. Đã có 4 HTX, 1 công ty cử xã viên, người lao động tham gia học tập gồm: HTX dịch vụ điện Thủy Tiên Thành, xã Yên Lạc, HTX dịch vụ tổng hợp chế biến chè an toàn Quyết Thắng, xã Tức Tranh (Phú Lương), HTX chè an toàn Sơn Thành, HTX chè an toàn Đại Phú, xã Phú Lạc (Đại Từ) và Công ty CP may xuất khẩu Phú Lương.