Thái Nguyên: Thay đổi phương thức tuyển dụng, đào tạo nghề
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều kế hoạch và phương pháp đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải thay đổi. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động; cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường cho doanh nghiệp và người lao động. Thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, chuyên đề, việc làm online, ngày hội việc làm, các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp… thu hút gần 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia, với hơn 22.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động và tuyển sinh học sinh học nghề...
Sinh viên được đào tạo theo nhu cầu của thị trường |
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2021, trung tâm đã thu thập, cập nhật, phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại 270 doanh nghiệp, với nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 25 vị trí việc làm, hơn 15.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí cho trên 6.500 lao động; tổ chức được 18 phiên giao dịch việc làm với 500 người được giới thiệu việc làm, cung ứng lao động.
Để đảm bảo cung ứng thị trường lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh; chủ trì xây dựng các thủ tục, điều kiện thành lập, hoạt động đối với tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập; hỗ trợ tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng rà soát toàn bộ cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký, làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn cơ sở đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường.
Là một trong những cơ sở đào tạo nhiều lao động nghề cho địa phương cũng như các tỉnh thành phía Bắc, lãnh đạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật - Đại học Thái Nguyên cho biết: Nhà trường cũng sẽ chọn những ngành học sinh, doanh nghiệp có nhu cầu để đào tạo, phát triển. Căn cứ vào nhu cầu thị trường, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để mở những nhóm ngành mới. Mới đây, nhà trường đã xin Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cấp thêm 2 nhóm ngành mới là điện lạnh - điều hòa không khí và điện tử công nghiệp.
Kết quả điều tra, đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Thái Nguyên năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 71%, tăng 5% so với năm 2019, cao hơn trung bình cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 62%, tăng 13% so với năm 2019, thuộc nhóm cao trong cả nước. 92% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.