Năm 2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xét và công nhận 14 làng nghề, nâng tổng số làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh lên 252 làng. Trong đó, làng nghề trồng và chế biến chè chiếm đa số với 230 làng, chiếm 91%; 10 làng nghề chế biến nông - lâm sản thực phẩm, chiếm 4%; 5 làng nghề gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, chiếm 2%; 4 làng nghề mây tre đan, chiếm 1,5%; còn lại là các làng nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng đào và sinh vật cảnh.
Làng nghề trồng và chế biến chè tiếp tục là trọng điểm đầu tư của Sở Công Thương |
Khu vực làng nghề đóng góp ngày một lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của ngành Công Thương những năm qua. Chỉ tính riêng năm 2019, Sở Công Thương tỉnh đã huy động các nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương dành 4,3 tỷ đồng, thực hiện 34 đề án khuyến công; trong đó chuyển giao ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho 26 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ 492,4 triệu đồng đầu tư thiết bị cho các làng nghề, gồm: 16 máy làm đất đa năng, 14 máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng, 3 tôn sao gas và 34 máy cắt cỏ.
Riêng với các làng nghề trồng và chế biến chè, Sở Công Thương hỗ trợ kinh phí cho Hiệp hội làng nghề tỉnh đầu tư 57 máy sao chè, 104 máy vò chè, 2 máy hút chân không cho làng nghề chè cụm Khe Cốc (huyện Phú Lương), làng nghề chè truyền thống xóm Phú Ninh 1 (huyện Đình Hóa), làng nghề chè truyền thống xóm Tân Tiến (huyện Đồng Hỷ).
Là một trong những đơn vị nhận được sự trợ sức này, ông Tô Văn Khiêm - Chủ tịch Hợp tác xã chè Khe Cốc - chia sẻ: Sự hỗ trợ của Sở Công Thương rất kịp thời, giúp làng nghề ứng dụng được máy móc hiện đại vào sản xuất. Từ sự hỗ trợ ban đầu, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư thêm thiết bị sản xuất một số sản phẩm như bột trà xanh, kẹo chè, chè túi lọc... Thị trường đầu ra của sản phẩm chè ngày càng được mở rộng khi đã được tiêu thụ ở một số nước như Ba Lan, Pháp.
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh cũng hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường và kết nối cung - cầu hàng hóa; triển khai website giới thiệu sản phẩm chè tích hợp với truy xuất nguồn gốc… Từ đó, quảng bá rộng rãi sản phẩm, giúp các làng nghề trên địa bàn tỉnh mở rộng đầu ra.
Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển làng nghề thời gian qua, năm 2020, Sở Công Thương Thái Nguyên đã lên kế hoạch triển khai nhiều hoat động thiết thực. Theo đó, các đơn vị chức năng thuộc sở hoàn thiện những chương trình, đề án liên quan đến tạo việc làm mới, chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, tạo vùng nguyên liệu, sản phẩm thế mạnh cho làng nghề.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Bám sát tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm tạo quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Năm 2020, Sở Công Thương Thái Nguyên có kế hoạch công nhận thêm 14 làng nghề, làng nghề truyền thống cấp tỉnh và nhân rộng 3 làng nghề điểm. |