Năm 2019 đánh dấu những thay đổi mang tính đột phá cho ngành điện tử Việt Nam bao gồm xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam. Sự ra đời của nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup và đặc biệt là thỏa thuận ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho ngành điện tử Việt Nam. Tại Diễn đàn Điện tử Việt Nam 2019 "Kết nối và đối thoại cùng doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng toàn cầu" diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Phó giám đốc Trung tâm IPS - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng, khi ngành điện tử Việt Nam xây dựng được mạng lưới các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu sẽ giúp giảm rủi ro về chuỗi cung ứng, thời gian giao hàng cũng như chi phí. Đồng thời, nhóm này sẽ hỗ trợ gia tăng tính linh hoạt của ngành điện tử và giúp giữ chân DN FDI hiện có, đồng thời cũng thu hút nguồn FDI mới.
Đẩy mạnh kết nối DN trong nước với các DN FDI |
Bên cạnh đó, do tác động và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm gia tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam cùng với xu hướng dịch chuyến vốn đầu tư và sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Đây chính là cơ hội "vàng" cho các DN trong lĩnh vực này tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phân tích từ Dự án "Kết nối DN nhỏ và vừa: Kết nối các DN nhỏ và vừa với chuỗi cung ứng toàn cầu" của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID LinkSME) cho thấy, khả năng tăng trưởng hiện nay của Việt Nam qua việc tăng cường chuỗi cung ứng trong nước là 58 tỷ USD.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Một báo cáo tại Hội thảo về phát triển ngành công nghiệp điện tử, mới đây cho thấy, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong khu vực FDI, trong khi các DN nội địa vẫn chưa đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam phần đông là các DN vừa và nhỏ, chiếm 98% tổng số DN.
Theo ông Ron Ashkin - Giám đốc USAID LinkSME, do các DN nhỏ và vừa của Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với DN nước ngoài, thiếu nhân viên có tay nghề, trình độ quản lý kém, rào cản ngôn ngữ… nên chỉ một số ít DN tham gia được chuỗi cung ứng cho DN nước ngoài.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam - cho rằng, các DN trong ngành điện tử cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó là các chính sách đẩy mạnh biện pháp hỗ trợ DN, giúp nâng cao năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy liên kết các chuỗi cung ứng trong nước, kết nối DN trong nước với các DN FDI của ngành điện tử trong khu vực và trên thế giới.
Nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang hoạt động trong ngành điện tử Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, USAID quyết định thực hiện Dự án LinkSME trong giai đoạn 2018 - 2023 với mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua, tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu USD. |