Cần 700 tấn giun đất khô, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom lượng lớn Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom giun đất khô: Dược liệu chữa bệnh gì? |
Nạn kích giun đất đã hoành hành khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam suốt nhiều năm, thế nhưng đến nay do vẫn chưa có chế tài xử lý thỏa đáng nên tệ nạn này lại bùng phát, cày nát đất vườn, phá sạch tiền của của người dân.
Đầu nậu cấp cao toàn người Việt
Được hai đầu mối thu mua giun đất ở huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) là Bùi Văn Kiển và Bùi Văn Hiếu giới thiệu, PV VTC News liên lạc trực tiếp với các đầu nậu ở cấp cao hơn và tất cả đều là người Việt.
Một đầu nậu thông tin, nếu ở Hòa Bình, chủ lò sấy giun có thể mang hàng ra quốc lộ 6, sẽ có người đến lấy, hoặc gửi bưu điện theo địa chỉ mà các đầu nậu đã nhắn, không cần biết chất lượng ra sao. Còn nếu hàng nhiều lên đến vài tạ, đầu nậu sẽ trực tiếp đến tận nơi thu mua.
Lương béo, một đầu nậu cao cấp còn “nhiệt tình” chỉ dẫn PV: “Dạo này tình hình căng do bị cấm, cứ mở lò ra là lại bị dẹp, mất tiền đấy. Nên bây giờ cứ ở ẩn một thời gian rồi hãy làm tiếp”. Thủ đoạn này của Lương đã giải thích vì sao nạn kích giun cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà chưa thể dẹp sạch. “Cứ thấy động là mình phải dừng thôi. Nhưng họ cũng không đi quét mãi được, nên thấy êm thì lại làm”, Lương nói.
Liên tục những lời mời gọi thu mua giun đất khô, rao bán thiết bị kích giun trên các hội nhóm. |
Theo tiết lộ của Lương, phía trên các đầu nậu còn có tổng kho giun khô. Không chỉ hoạt động kết nối qua điện thoại, các tổng kho còn có nhiều nhóm trên Facebook với hàng chục nghìn thành viên, nhóm nào cũng trên dưới 10 bài viết/ngày, đăng tải đủ hình ảnh về giun khô, các loại máy kích giun, máy mổ giun, kêu gọi “hợp tác” nhằm tăng thêm hội viên.
Bùi Văn Hiếu cho biết, các đầu nậu từng thu mua giun khô của anh chia làm hai nhóm. Một nhóm ở phía Nam thì mua giun khô để làm các vị thuốc. Còn nhóm thương lái ở phía Bắc thì họ thu mua để bán sang Trung Quốc.
Cũng theo Hiếu, với giá cao chót vót tựa như lời thúc giục từ các đầu nậu cấp cao, các đầu nậu ở cấp thấp hơn liên tục tỏa về từng địa phương để thu mua giun từ người dân, hướng dẫn người dân cùng đi kích giun đất, sơ chế và sấy giun đất. Càng nhiều người kích giun, sấy giun, tốc độ thu mua của họ lại càng tăng. Có bao nhiêu giun khô, các đầu nậu cấp cao "ôm" bấy nhiêu như thể muốn tận diệt, hút sạch giun đất ở mỗi vùng họ đặt chân đến.
Hình ảnh giun đất khô chất đống như những lời mời gọi người hám lợi. |
Các lò sấy giun thường trang bị máy kích cho người dân đi kích ở khắp nơi rồi bán về cho lò. Trung bình mỗi lò có thể sấy được khoảng 300-400kg giun tươi, cũng có nhà làm nhiều lò nên sấy được 1 tấn giun tươi mỗi ngày.
Giun tươi được thu mua với giá cao nhất là khoảng 65.000 đồng/kg, sau khi sấy thì 10 kg tươi sẽ ra được 1 kg khô và các thương lái sẽ thu mua với giá gần 800.000 đồng/kg. Với 100 kg giun tươi sau khi sấy và trừ các loại chi phí như nhân công, tiền củi đốt thì sẽ lãi được 800.000 đồng, trung bình mỗi ngày lò sấy lãi được hơn 2 triệu đồng.
Dưới sự lùng sục gắt gao, bất kể ngày đêm của những người đi kích giun nên gần đây, vùng quê Cao Phong (Hòa Bình) bị cày nát, rất nhiều vườn cây bị hư hại, nông dân xót xa nhìn tài sản, công sức bị triệt phá.
Ông Bùi Văn Toản, 51 tuổi, chủ một vườn cam đang héo dần mòn vì bị phá hỏng đất trồng bức xúc cho biết, trước đây hàng ngày đều có người đi qua vườn của ông để kích giun, nhưng khi ấy họ vẫn chưa manh động đến mức xông thẳng vào vườn mà cày như bây giờ. Nếu bị phát hiện, không ít kẻ sẵn sàng phản ứng, thậm chí chống trả, đe dọa.
Ông Bùi Văn Toản xót xa cho vườn cam bị đám kích giun đất oanh tạc. |
“Rất nhiều người dân trong làng dù biết tác hại của việc kích giun vẫn không ngần ngại gác hết công việc thường nhật lại và ngang nhiên đi kích giun kiếm tiền. Nguyên nhân cũng chỉ vì giun đất được giá, có nhiều đầu nậu thu mua. Tính ra một người có thể kiếm được 1 - 1,5 triệu đồng/ngày. Vì lợi nhuận mà họ bất chấp tất cả, hại chính đồng bào mình, thậm chí cả hàng xóm kề bên hoặc cả gia đình của họ. Con giun tuy nhỏ nhưng thực sự như một “lão nông” cần mẫn, ngày đêm cày xới làm cho đất tơi xốp, cây cối phát triển. Giờ bắt hết giun đất khác nào hủy hoại các khu vườn, hủy hoại kế sinh nhai của người dân mình, hại chính mình. Đúng là chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà người Việt đang tự hại chính người Việt”, ông Toản xót xa nói.
Nơi này lắng xuống, nơi khác lại bùng phát
Trả lời VTC News, ông Bùi Văn Hưng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, cái khó hiện nay là chưa có chế tài nào để xử lý mà mới chỉ dừng lại ở việc thu giữ máy kích điện và nhắc nhở, nặng hơn là phạt cho hành vi hủy hoại môi trường. Cũng vì chưa có chế tài nên không đủ sức răn đe. Khi nào cơ quan chức năng làm gắt quá thì họ tạm co cụm lại, rồi vài bữa lại tái phát. Do đó, việc này rất khó để xử lý triệt để.
Chủ tịch UBND xã Thu Phong ông Vũ Thế Dũng. |
“Hoạt động kích giun trên địa bàn huyện Cao Phong đã tạm thời lắng xuống dưới sự rốt ráo của chính quyền địa phương, chủ yếu là bằng phương pháp tuyên truyền hướng dẫn. Hoạt động này rất có thể lại tái diễn bất cứ lúc nào", ông Vũ Thế Dũng, Chủ tịch UBND xã Thu Phong (Cao Phong, Hòa Bình) thừa nhận.
Trên thực tế, trong khi nạn kích giun ở huyện Cao Phong lắng xuống thì lại tràn sang huyện lân cận là Kim Bôi, các lò sấy giun cũng mọc lên như nấm sau mưa.
Ông Triệu Xuân Tình, trưởng xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) thông tin, ở xóm hiện có khoảng 13-14 lò sấy giun đang hoạt động. Còn ông Bạch Công Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn xác nhận, trên địa bàn xóm Thung Dao Bắc vẫn còn nhiều các lò sấy giun hoạt động kiểu tự phát và xây dựng trong đất của các gia đình.
Theo ông Dương, hiện nay chưa có căn cứ nào để xử lý các lò sấy và cũng gây khó khăn cho địa phương. Trong khi đó, người dân cũng đang bức xúc về tình trạng kích trộm giun, sấy giun, tại các buổi tiếp xúc cử tri đã có ý kiến về việc này. Địa phương mong muốn sớm có quy định để xử lý vấn đề trên.
Trung Quốc cảnh báo "thảm họa sinh thái"
Ở Trung Quốc, giun đất, còn được gọi là “địa long”, tức rồng đất. Giun đất sau khi qua chế biến được coi là một thành phần trong vài loại thuốc Đông y.
Một điểm gia công giun đất để chế thành địa long ở Uy Ninh, tỉnh Quý Châu của Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua) |
Tuy nhiên, việc tận diệt giun đất lại bị cả xã hội Trung Quốc lên án kịch liệt và ngăn chặn bằng mọi cách. Từ giữa năm 2022, các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc đã cảnh báo về "thảm họa sinh thái" do vấn nạn kích giun sinh ra.
Tòa án trung cấp Chu Hải ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từng ra phán quyết buộc 3 công ty bán thiết bị kích điện giun đất xin lỗi và bồi thường 1,59 triệu nhân dân tệ (240.000 USD) vì gây ra thiệt hại sinh thái. 3 công ty trên phải trả tiền bồi thường cho Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh.
Cuối tháng 2 năm nay, Trung Quốc tiến thêm một bước trong đấu tranh chống nạn kích điện giun đất, thông qua việc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ trong một văn kiện về việc cần "xử lý nghiêm" các hành vi hủy hoại đất đai như bẫy giun bằng điện. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, việc dùng kích điện để bắt giun đất là hình thức săn bắt tuyệt diệt, gây hủy hoại nghiêm trọng với môi trường. Việc bảo vệ giun đất được coi là “không thể trì hoãn”.
Các giáo sư nông nghiệp ở Trung Quốc cho biết, trong thổ nhưỡng, từ động vật, đến thực vật, vi sinh vật là một quần thể. Giun đất đóng vai trò quan trọng trong quần thể đó. Số lượng giun đất tăng lên là chỉ số cho thấy an toàn lương thực được bảo đảm. Ngoài ra, việc giun đất xuất hiện trong đồng ruộng cũng là chỉ số về an toàn trồng trọt.
Tháng 8/2021, tòa án trung cấp Chu Hải ở phía nam tỉnh Quảng Đông ra phán quyết buộc 3 công ty bán thiết bị kích điện giun đất xin lỗi và bồi thường 1,59 triệu nhân dân tệ (240.000USD) vào Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc vì gây ra thiệt hại sinh thái. (Ảnh: Taobao/SCMP). |
Điều tra của tờ Beijing News cũng cho thấy nông dân Trung Quốc ngày càng coi trọng yếu tố duy trì dinh dưỡng trong đất để canh tác được mùa này qua mùa khác. “Họ coi giun đất là một trong những cơ sở quyết định sự bền vững, dinh dưỡng của đất đai”. Báo này khẳng định giun đất tuy nhỏ, nhưng là “kỹ sư xây dựng hệ thống sinh thái”.
Cần xử lý hình sự
Nói về những tác hại của vấn nạn kích điện giun đất, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Việc kích giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
Trước thực trạng này, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi tới các địa phương đề nghị báo cáo để xem xét tình hình để tìm cách xử lý.
“Đây là hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, đồng thời cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật”, công văn nhấn mạnh.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động trên (nếu có); đồng thời tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất; khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm
Ông Cường cũng cho rằng, cần hoàn chỉnh, bổ sung các hành vi hủy hoại đất trong các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường, nhất là khi chúng ta đang sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013.
Còn theo TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, dưới góc độ pháp lý thì hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, "hủy hoại đất".
TS. LS. Đặng Văn Cường. |
Theo LS Cường, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người dùng xung kích điện để đánh bắt giun tự phát làm bạc màu đất, ảnh hưởng tới sản xuất nông lâm nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi hủy hoạt đất mang đến những hậu quỷ tiêu cực cho đất đai, ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật và cây trồng. Đây là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013.
Hủy hoại đất đai là hành vi vi phạm pháp luật, mang đến những hậu quả nặng nề cho công tác quản lý đất đai của nước ta.
Do đó, người thực hiện hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 150.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Ngoài mức xử phạt trên, người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật đất đai nếu người vi phạm là chủ sử dụng đất.
Kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ ở nhiều địa phương. |
Ngoài ra, TS. LS. Đặng Văn Cường cũng cho biết, đối với đơn vị bán kích điện cho người dân để bắt giun thì cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn lậu, mua bán hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, nhập khẩu trái phép hàng hóa qua biên giới... tuỳ thuộc từng hành vi cụ thể.
Các máy xung kích điện để bắt giun phần lớn có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nhập khẩu, bán các loại máy này có thực hiện thủ tục nhập khẩu, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật hay không. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, kinh doanh trái phép thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc.
Các luật sư khác cũng cho rằng, để giải quyết dứt điểm vấn nạn kích điện giun đất, cơ quan chức năng cần sớm ban hành những quy định, chế tài xử lý, xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe để kịp thời “cứu” đất nông nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời một trong những yếu tố quan trọng cần thực hiện đó là tuyên truyền vận động nâng cao hiểu biết cho người dân về vai trò của giun đất với hệ sinh thái trong đất, không vì lợi ích trước mắt mà tận diệt loài sinh vật có lợi này