Theo đó, lãi suất huy động là 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng; 5,4- 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 6-7%/năm.
Tỷ giá USD/VND sau khi được điều chỉnh tăng theo diễn biến thị trường đã ổn định hơn, hiện ở các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 22.435-22.505 USD/VND.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên khoảng 9-10%; lãi suất cho vay các lĩnh vực kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9% đối với ngắn hạn; 9,3-11% đối với trung và dài hạn. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm về 0%/năm đối với các tổ chức và 0,25% đối với cá nhân.
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng nhà nước) - cho rằng: Thời gian qua, tỷ giá, lãi suất đã ổn định trở lại. Đây là một kỳ tích lớn của chính sách tiền tệ.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng - nhấn mạnh chính sách tiền tệ, huy động vốn tăng trưởng khá tốt. Trong đó, tín dụng tăng trưởng đều ở 5 lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp tăng trên 20%.
Tuy nhiên, ông Hòe cũng lo ngại: Lạm phát giảm trong thời gian qua do giá nguyên liệu và giá xăng dầu thấp. Vì vậy, khi kinh tế phục hồi, giá nguyên, xăng dầu tăng liệu có trở tay kịp? “Để không bị động khi nền kinh tế phục hồi, chúng ta phải thận trọng trong việc điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất” ông Hòe khuyến cáo.
Đối với việc giảm lãi suất USD về 0%, ông Hòe cũng nhấn mạnh, nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, hạn chế USD hóa để góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.