Dịp 30/4 năm nay đã đánh dấu 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông đã thu về một mối.
Đất nước Việt Nam đã hoà bình, hội nhập và ngày càng phát triển. Rất nhiều đồng bào Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau đã ra đi sau chiến thắng 30/4 đến nay đã có cái nhìn khác về đất nước đổi mới và chính sách hoà hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Ấy vậy mà vẫn còn một số ít trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và một số phần tử cơ hội chính trị trong nước năm nay vẫn nhen nhóm lên đốm lửa tàn thù hận bằng việc cổ xuý cho các cuộc tụ tập, các chương trình mang tên “tưởng niệm tháng tư đen”, “ngày quốc hận”.
Đáng buồn hơn là năm nay, như ở Houston (Mỹ), người ta còn cố tình lôi kéo cả một số người nước ngoài rồi gắn vào với sự kiện xung đột Nga - Ukraine. Thật nực cười chẳng ăn nhập gì khi họ còn dựng lên cái gọi là bức tường trưng bày hình ảnh Đảng Cộng sản Việt Nam “đàn áp người đấu tranh trong nước” rồi cái gọi là “hình ảnh tội ác của Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine”.
Ở trong nước, một số người xưng danh “luật sư”, “nhà văn”, nhà thơ đưa ra những ý kiến lạ đời như đòi không tổ chức kỷ niệm tưng bừng chiến thắng mà tổ chức các lễ tưởng niệm những nạn nhân của chiến tranh trên khắp đất nước, đòi tri ân, thăm hỏi cả người của hai bên chiến tuyến. Họ cho rằng đó mới là “hoà giải và hoà hợp dân tộc”.
Trên thực tế, suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách, luật pháp cùng những hành động thiết thực để hòa hợp dân tộc như Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới...
Đảng ta nhiều lần khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây khẳng định: “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại”, “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước”.
Đảng ta từng chủ trương “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”, hòa hợp dân tộc phải trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, không định kiến, phân biệt đối xử nhưng không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý. Những vấn đề khác biệt như ý thức hệ, quan điểm chính trị thì cần sự tôn trọng, mà không thể đòi hòa hợp theo kiểu “phải công nhận chế độ Sài Gòn”, “phải phục hồi danh dự cho những người trong chế độ cũ”, “phải xóa bỏ Đảng Cộng sản thì mới có sự hòa hợp”…
Càng phi lý hơn khi ai đó cho rằng, phải tri ân thăm hỏi cả những thương bệnh binh của ngụy quân ngụy quyền; phải bỏ kỷ niệm chiến thắng 30/4, phải đổi tên gọi là ngày thống nhất, ngày hoà bình…. thì mới là hoà hợp dân tộc.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng có quan điểm rất sâu sắc về vấn đề này: “Có những người chứng kiến sự hy sinh của dân tộc quá lớn, họ cứng như thép, không dễ xoay chuyển được... Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã hơn 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper chiều ngày 25/4 vừa qua cũng hoan nghênh sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian qua trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Tinh thần đó thiết nghĩ cũng rất cần được lan toả trong thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc hiện nay.
Lịch sử đã sang trang. Đất nước đã đổi mới. Mỗi tháng tư về thực sự là tháng tư của nghỉ lễ, sum họp, du lịch, vui chơi, hội nhập và phát triển. Tháng tư không đen mà có lẽ chỉ còn vết đen trong lòng người của những ai đó hẹp hòi, ích kỷ, chưa vượt ra khỏi vòng kim cô và bóng mây đen của thù hận quá khứ mà thôi!