CôngThương - Báo cáo của Sở Công Thương TP.Đà Nẵng về sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 16.808 tỷ đông, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012; tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa và dịch vụ ước đạt 860,3 triệu USD, tăng 11,3%... Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ rơi vào một số ít ngành như: Sản xuất (SX) trang phục tăng 21,93%, giày dép tăng 208,89%, kim loại tăng 29,56%, điện tử tăng 76,72%... Còn lại, đa phần doanh nghiệp SX nội địa đều giảm sút. Cụ thể, khai thác đá giảm 3,54%, chế biến thủy sản giảm 1,47%, SX vải giảm 7,92%, đồ gỗ giảm 7,64%, sản phẩm khoáng phi kim loại giảm 34,56%, thiết bị điện giảm 16,18%...
Qua đó, dễ dàng nhận thấy những DN tăng khá như: Công ty Thép Dana - Ý (ước tăng 21%), Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (ước tăng 68%), Công ty TNHH VBL Đà Nẵng (ước tăng 32%), Công ty CP dệt may 29-3 (ước tăng 12%), Tổng công ty CP dệt may Hòa Thọ (ước tăng 17%)... Các DN này hầu hết đều nằm trong danh sách tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (PTCNCL) của thành phố, được hưởng các chính sách hỗ trợ của địa phương bắt đầu từ năm 2005 đến nay.
Được biết, 9 DN nằm trong Chương trình PTCNCL nhiều năm qua đã đóng góp trên 42% GDP của toàn ngành công nghiệp thành phố. Một số DN mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới, KNXK gia tăng đáng kể. Trong đó, sản phẩm quần áo may sẵn tăng bình quân 27%/năm, KNXK tăng bình quân 19,8%/năm; sản phẩm thủy sản đông lạnh tăng bình quân 10%/năm, KNXK tăng bình quân 8%/năm. Đặc biệt, Công ty CP cao su Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những DN nộp ngân sách hàng đầu của thành phố. Như năm 2012, công ty nộp ngân sách đạt 250 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2005 (năm đầu tiên thực hiện chương trình).
Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.Đà Nẵng có 9 đơn vị được chọn lựa, thuộc 3 ngành sản xuất, với 5 sản phẩm: Lốp ôtô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi-măng. |
Điều đáng chú ý là các DN nằm trong Chương trình PTCNCL đều chuyển dần từ gia công thuần túy sang sản xuất trực tiếp. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực được hỗ trợ có tốc độ tăng về giá trị SXCN khá cao so với tốc độ tăng sản lượng. Như sản phẩm may mặc, giày da có lượng hàng xuất khẩu theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất và bán thành phẩm) chiếm tỷ trọng từ 60 - 80% cơ cấu sản phẩm. Nhờ vậy, tỷ suất lợi nhuận ngày càng tăng, các DN có điều kiện tích lũy, đầu tư mới, cơ cấu tái cấu trúc lại DN, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, đồng thời bảo vệ, phát triển thương hiệu ra nhiều nước trên thế giới. Công ty CP cao su Đà Nẵng đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “DRC, HÌNH” ở Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar...
Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo mới đây, rất nhiều DN SX sản phẩm công nghiệp cho rằng, bên cạnh các chính sách dành cho các DN thuộc Chương trình SPCNCL thì TP.Đà Nẵng cần phải có những chính sách hỗ trợ các DN SX công nghiệp khác vì ngành công nghiệp toàn thành phố vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, chưa tự đứng lên được…