Thanh Hóa: Gỡ “rào cản” thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ bứt phá
Chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển
Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, Chương trình phát triển CNHT được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 và Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017, là tiền đề để tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, lập kế hoạch và hình thành hệ thống các ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm cung cấp linh kiện, thiết bị cho các nhà máy trên địa bàn, khu vực phụ cận và tiến tới xuất khẩu. Những chính sách trong Nghị định đang tạo điều kiện khởi nghiệp cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa nghiên cứu, đầu tư phát triển.
Cụ thể, kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CNHT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2025, Thanh Hóa định hướng phát triển CNHT theo hướng nhanh, bền vững, tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất CNHT. Tỉnh Thanh Hóa cũng định hướng 3 lĩnh vực CNHT được ưu tiên, tập trung phát triển là CNHT ngành dệt may, da giày, CNHT ngành ô tô và chế tạo cơ khí, CNHT cho lĩnh vực điện tử.
Đánh giá về kết quả thực hiện các hoạt động thuộc chương trình, đại diện Sở Công Thương tỉnh cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số dự án thuộc lĩnh vực CNHT, các dự án đã đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Điển hình như Nhà máy STech Vina của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD đến nay đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số dự án đang trong quá trình triển khai hồ sơ thủ tục hoặc trong giai đoạn xây dựng như: Dự án sản xuất dây cáp điện của Công ty THN Corporation tại Cụm công nghiệp Hà Dương, huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư 231 tỷ đồng. Dự án Xưởng bảo trì, bảo dưỡng, chế tạo PECI Việt Nam của Công ty TNHH PECI Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 11 triệu USD tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Hiện tỉnh cũng đang nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp các sản phẩm cho các nhà máy sản xuất may mặc trên địa bàn tỉnh và các vùng phụ cận.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều dự án thuộc lĩnh vực CNHT đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh, mặc dù lộ trình thực hiện phát triển CNHT đã được hoạch định, nhưng để thực hiện thành công và hiệu quả còn là một chặng đường dài. Thời gian qua chương trình đã được địa phương và các DN quan tâm, nghiên cứu, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ của chương trình vẫn còn khó khăn, vướng mắc như nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ phát triển của các DN.
“Do đó, để DN tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển ngành CNHT rất cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cả về pháp lý, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ các mặt hàng hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh công tác tuyên truyền thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực CNHT, tỉnh cần sớm xây dựng, ban hành các danh mục dự án CNHT có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Phương thức hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNHT cũng cần được xây dựng cụ thể, dễ tiếp cận, đủ tạo niềm tin, đủ mạnh để nhà đầu tư mạnh dạn tìm đến ngành công nghiệp quan trọng này” - đại diện Sở Công Thương cho biết.
Nhiều giải pháp thiết thực
Với mục tiêu, khuyến khích phát triển CNHT, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và có lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn, tỉnh xác định, đến hết năm 2025, có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT có chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, các hoạt động chính sẽ được tỉnh triển khai trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể như phát triển ngành CNHT lĩnh vực cơ khí, chế tạo, gồm, sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm từ việc xây dựng, chế tạo cho các nhà máy nhiệt điện... Trong đó, cần tập trung ưu tiên đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.
Đối với phát triển ngành CNHT lĩnh vực ô tô, tỉnh tiếp tục nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước. Về dài hạn, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN…
Còn về phát triển CNHT ngành dệt may, da - giày, tỉnh cũng tiếp tục tập trung đầu tư vào lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa và hướng tới thị trường ngoài nước. Thu hút và hỗ trợ đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may trong nước và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang.
Với nhiều giải pháp thiết thực, tỉnh mong muốn kêu gọi, thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cũng như hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách CNHT đến các DN trên địa bàn để DN tiếp cận đầy đủ với các chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển CNHT có thời hạn đến năm 2025.
Tuy nhiên, với trình độ các DN trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất. Để nâng cao trình độ, năng lực của các DN, tỉnh kiến nghị Nhà nước cần bố trí nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ DN. Bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện tốt Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các DN CNHT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, để nâng cao trình độ và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, thu hút được các DN nước ngoài vào đầu tư, Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh về ưu tiên chuyển giao công nghệ trong ngành sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên xây dựng hiệu quả các cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho các lao động trong ngành CNHT. Đồng thời, Nhà nước cần giúp đỡ trong việc bao tiêu sản phẩm cho các DN lớn trên địa bàn tỉnh.