Thanh Hóa: Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh Thanh Hóa: Công bố giá vật liệu xây dựng thấp hơn giá thực tế, doanh nghiệp gặp khó |
Sáng ngày 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì Hội nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Sau khi nghe các kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: “Tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang đối mặt”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp |
Tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: Do suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Số đơn hàng còn lại, đơn giá chỉ đạt 55% đến 65%. Hiện ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Khó lại càng khó hơn khi Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong phòng cháy chữa cháy khiến các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng ngay các tiêu chuẩn, quy định mới. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét cho doanh nghiệp có lộ trình để thực hiện tiêu chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy.
Cũng chung kiến nghị về tiêu chuẩn mới trong phòng cháy chữa cháy, ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội doanh nghiệp Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga, cho biết: Hiện Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Một số doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt hành chính. Nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình tốn kém phi phí… kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phòng cháy chữa cháy bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng phòng cháy chữa cháy nội bộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất...
Còn ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, kiến nghị: Tỉnh Thanh Hoá cần vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề giải phóng mặt bằng và lập quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, đi trước một bước để tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, xây dựng dự án. Hiện nay, công ty đang triển khai một số dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và đang gặp một số khó khăn trở ngại cần phải được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đề nghị tỉnh Thanh Hoá sớm làm công tác quy hoạch đồng bộ và đi trước một bước. Bởi hiện Dự án đường dây 110 KV đấu nối trạm biến áp Luyện kim 2, khi thực hiện triển khai dự án lại chưa có kế hoạch sử dụng đất năm 2023 khiến việc cấp điện để vận hành Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 bị chậm tiến độ...
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp |
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp. Trong đó, có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo, thì có thể dẫn doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy, giá vật liệu xây dựng, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Sau khi lắng nghe những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang đối mặt |
Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của ngành và đã rõ hoặc những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật thì giải quyết, trả lời ngay. Còn đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời doanh nghiệp trước ngày 5/4/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Trước những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị cùng với sự nỗ lực khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở ban ngành, sự chủ động, linh hoạt vượt khó vươn lên của các doanh nghiệp, đảm bảo kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.