CôngThương - Triển khai chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về phát triển quản lý chợ (Nghị định 02), với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương triển khai thí điểm đổi mới tổ chức quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn thành phố từ năm 2007 đến 2010. Đó là các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tiếp nhận, bỏ vốn đầu tư như: Chợ Vườn Hoa với hình thức công ty cổ phần chợ; chợ Tây Thành với doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư theo hình thức BOT; chợ Điện Biên với doanh nghiệp ngoài tỉnh bỏ vốn đầu tư, chợ Nam Thành với HTX quản lý, kinh doanh, khai thác chợ…
Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, khắc phục những hạn chế cũng như huy động tối đa các nguồn lực theo hướng xã hội hóa trong đầu tư phát triển chợ, Sở Công Thương đã xây dựng đề án về chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý chợ tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Việc một địa phương huy động được đến 75% vốn xã hội hóa trong tổng số vốn đầu tư chợ trên địa bàn như Thanh Hóa là đáng ghi nhận. Các địa phương khác cần quan tâm, tìm hiểu mô hình xã hội hóa phát triển chợ của tỉnh này. |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án đổi mới mô hình tổ chức quản lý chợ và chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, tỉnh đã triển khai nhân rộng ở một số chợ như: Chợ Giáng, chợ Bỉn (huyện Vĩnh Lộc); chợ Mới (Sầm Sơn); chợ Già (Hoằng Hóa); chợ Lam Sơn (Ngọc Lặc)… Đến nay, đã có 27/441 chợ hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, HTX kinh doanh khai thác chợ và đã đi vào hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả.
Ông Hùng cho rằng, khi đưa ra cơ chế thu hút vốn phải tham khảo kỹ, đảm bảo tính khả thi. Đi kèm với thu hút đầu tư, cần ban hành chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân và hộ kinh doanh trong chợ.