Hải Dương hiện có trên 130 dự án lớn sản xuất sản phẩm CNHT, trong đó, các dự án hoạt động trong lĩnh vực điện tử chiếm hơn 30%. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang hoạt động tại Hải Dương |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 3.000ha, có gần 500 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 9,1 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các ngành nghề như sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ôtô, xi măng, sản xuất sắt thép, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác... Đây sẽ là thị trường hạ nguồn rất lớn và đa dạng cho các sản phẩm CNHT.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương cho biết, hiện, ngành CNHT của tỉnh đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, góp phần tích cực đối với phát triển công nghiệp chung của tỉnh. Đặc biệt, CNHT của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực: Cơ khí chế tạo; điện - điện tử; dệt may - da giày. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của 3 ngành CNHT này đạt trên 15,4%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất CNHT chiếm gần 60% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Không chỉ sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp trong nước, mà đã bước đầu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một mắt xích trong sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề ra mục tiêu: Phấn đấu đưa CNHT phát triển theo hướng hiện đại, tham gia vào sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp khác. Cụ thể, phấn đấu giá trị sản xuất CNHT đạt 132.317 tỷ đồng vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 12,9%/năm. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp: Công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, CNHT chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và đến năm 2030, chiếm khoảng 45%.
Thực hiện tốt quy hoạch
Để đạt được mục tiêu trên, Hải Dương tập trung tạo dựng nền tảng để phát triển CNHT như: Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện; xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, từng bước thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng quan tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thực tế, thời gian qua, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT, UBND tỉnh Hải Dương đã tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển CNHT tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại quy hoạch đã nêu nhiệm vụ hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh chuyển giao sản xuất linh kiện điện - điện tử từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp nội địa. Một trong những bước đi được nhận định là đột phá, tạo cú huých cho phát triển CNHT của tỉnh là sáng kiến phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung tổ chức chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp CNHT…
Tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 340 doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp. |