Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến vì dễ sử dụng
Trong một khảo sát được đưa ra bởi Visa (công ty công nghệ thanh toán điện tử) công bố gần đây - cho thấy, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. Lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không tiền mặt.
Tương tự, ghi nhận từ nền tảng thương mại điện tử Shopee cũng cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của các hình thức thanh toán không tiền mặt khi người dùng Việt sử dụng kênh trực tuyến để đáp ứng các nhu cầu đa dạng hàng ngày trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra. Cụ thể, số lượng người dùng thực hiện thanh toán bằng các hình thức như thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử AirPay ngày càng tăng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.
Với ưu điểm dễ sử dụng, thuận tiện thanh toán - các ví điện tử đang được người Việt chọn lựa để thực hiện thanh toán khi mua sắm ngày càng phổ biến. |
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam - cho biết: Có tới 80% tổng số giao dịch mua sắm sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt được thực hiện bởi người dùng trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 34. Tuy nhiên, số lượng giao dịch qua ví AirPay của người dùng trên 50 tuổi cũng tăng 15% trong thời gian gần đây. Người dùng lớn tuổi thường khó thích nghi với hình thức thanh toán số hóa, chính vì vậy xu hướng phổ biến này đã cho thấy ưu điểm về tính tiện lợi, dễ sử dụng của ví điện tử.
Một điểm đáng chú ý là hiện tại thanh toán không tiền mặt phổ biến ở các thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là các thành phố có tỷ lệ người dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt cao nhất. Điều này cho thấy, các thành phố lớn, được xem là nhân tố chính của tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thường có khả năng kết nối tốt hơn và cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin phát triển hơn so với các khu vực khác. Vì vậy, người dân sinh sống tại các thành phố này cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với điện thoại thông minh hơn, qua đó nhanh chóng áp dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Để có được những kết quả như trên, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Trên tầm vĩ mô, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Gần đây nhất, để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2545/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang gấp rút hoàn thiện chính sách để tạo môi trường thông thoáng thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Trong đó, Bộ Công Thương hoàn thành việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng đang nỗ lực thực hiện những chương trình, mục tiêu riêng để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt cho người tiêu dùng. Đơn cử tại Saigon Co.op, tất cả các phương tiện thanh toán đã được triển khai tại hệ thống của nhà bán lẻ này, từ ví điện tử, QR code đến thẻ. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã đặt mục tiêu, trong vòng 4 - 5 năm tới, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers… đạt 30%.