Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn dịch vụ tài chính và dịch vụ ngân hàng trong tương lai năm 2021 (Future Banking & Financial Services Forum) với chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số” diễn ra ngày 7/10.
Còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số ngân hàng
Theo đánh giá của ông Vũ Viết Ngoạn - nguyên Chủ tịch, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện có tới gần 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh nhưng chỉ khoảng 20% giao dịch ngân hàng trực tuyến và ứng dụng kỹ thuật số. Như vậy, dư địa chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư còn lớn hơn nữa nếu so sánh với mức độ chuyển đổi của các quốc gia trong khu vực.
Ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Chủ tịch, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phát biểu tại sự kiện |
“Dưới áp lực vận hành liên tục và duy trì tăng trưởng hậu Covid, ngân hàng có thể ứng dụng nguồn lực số để nhanh chóng tối ưu hóa vận hành; đồng thời giúp nhân viên tăng năng suất, giảm áp lực và tập trung vào những công việc có giá trị hơn. Dự kiến đến năm 2024, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nằm trong top đầu của Đông Nam Á về tỷ lệ ứng dụng ‘nhân lực số’ trong ngành ngân hàng”, ông Bùi Đình Giáp - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty akaBot, FPT Software - cho biết.
Tuy nhiên hiện nay, việc thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam đang còn 5 điểm nghẽn đáng lưu ý. Một là hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin mới ở mức đang dần hoàn thiện. Hai là cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tín dụng với nhau và giữa các tổ chức tín dụng với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa rõ ràng. Ba là tỷ lệ giao dịch tiền mặt còn cao. Bốn là còn một số hệ sinh thái fintect chưa thực sự liên thông với các tổ chức tín dụng khác để tạo thuận tiện nhất cho người dùng. Năm là sự hợp tác giữa các ngân hàng và các đơn vị fintect chưa sâu như mong đợi.
Thêm vào đó, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính ngân hàng, hiện nay việc đầu tư cho công nghệ của một ngân hàng rất tốn chi phí, có thể lên tới cả triệu đôla Mỹ và ngân hàng có thể tìm một bên cung cấp cho thuê phần mềm để giảm chi phí. Tuy vậy, ở Việt Nam chưa có dịch vụ thuê phần mềm cho ngân hàng và các công ty công nghệ có thể nghiên cứu cung cấp các phần mềm hiện đại cho ngân hàng.
Giải pháp nào?
Theo ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đi vào thực chất các ngân hàng phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng. Ví dụ như khi chuyển đổi số, thì sẽ có bao nhiêu khách hàng mới đến từ kênh số, nền tảng số; làm thế nào thay đổi chi phí trên doanh thu. Khi chuyển đổi số thành công sẽ giúp ngân hàng giảm các chi phí: vận hành, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin. Phần chi phí tiết giảm này cần được ngân hàng sử dụng để tái đầu tư vào công nghệ số để tiếp tục tạo ra sự sáng tạo mới, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn. Bởi lẽ khi chuyển đổi ngân hàng số, việc thu hút được khách mới đã khó, giữ được chân họ còn khó khăn hơn. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng cần tạo ra môi trường thuận lợi để cho khách hàng dễ dàng thực hiện các giao dịch hàng ngày.
Trong khi đó, dưới góc độ ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) - đề xuất cần tích hợp dữ liệu công dân quốc gia để xác thực và định danh khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, cần có một khuôn khổ pháp lý cởi mở để cho phép các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay online, nhất là đối với hoạt động cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, giải pháp hợp đồng điện tử và chữ ký điện tử hiện nay đã có một số đơn vị triển khai, tuy nhiên việc ứng dụng còn nhiều khó khăn nên rất cần sự đồng bộ triển khai thực hiện.
Được biết, Future Banking & Financial Services Forum 2021 do IDG Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Sự kiện diễn ra dưới hình thức trực tuyến, thu hút đông đảo lãnh đạo các ngân hàng, công ty kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm trong nước và quốc tế tham dự.