Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9, kim ngạch XK cả nước đạt 13,8 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, kim ngạch XK cả nước đạt 120,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng trong tháng 9, kim ngạch nhập khẩu (NK) cả nước đạt 14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng, kim ngạch NK cả nước đạt 124,2 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. Nhập siêu 9 tháng ở mức 4 tỷ USD, bằng khoảng 3,4% kim ngạch XK.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo phân tích của Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến kim ngạch XK không tăng trưởng mạnh như dự báo do thị trường hàng hóa thế giới 9 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng giảm bởi nhu cầu sụt giảm dưới tác động của suy yếu kinh tế của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, thị trường tài chính biến động trong khi kinh tế khu vực Eurozone vẫn còn nhiều khó khăn từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Do vậy, kim ngạch XK 8 tháng đầu năm của nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều giảm so với cùng kỳ năm 2014 như Trung Quốc giảm 1,4%; Hàn Quốc giảm 6,3%; Indonesia giảm 12,7%...
Trong bối cảnh đó, kim ngạch XK 9 tháng đầu năm của Việt Nam tăng 9,2%, dù chưa đạt chỉ tiêu 10% Quốc hội giao nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nếu so sánh với các nước trong khu vực châu Á. Tăng trưởng XK 9 tháng đầu năm 2015 thấp hơn tăng trưởng XK 9 tháng cùng kỳ 2014 có nguyên nhân chủ yếu do giá XK giảm, chỉ bằng khoảng 96% so với mức giá của 9 tháng năm 2014. Kim ngạch giảm tập trung vào 2 nhóm hàng là nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản.
“Trong bối cảnh thị trường đang có xu hướng suy giảm chung, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa chưa cao, trong khi sức ép cạnh tranh của các nước trong khu vực bị ảnh hưởng rõ rệt, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng XK 10% như Quốc hội đề ra, từ nay đến cuối năm, chúng ta còn phải cố gắng nhiều” – ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đánh giá.
Về phía các DN, khó khăn chung mà các DN phản ánh trong buổi làm việc là nhiều thị trường suy giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa do khó khăn chung của nền kinh tế. Sự tăng trưởng XK mạnh trong thời gian qua của nhiều nhóm ngành hàng cũng khiến DN rơi vào các vụ kiện chống bán phá giá từ nhiều quốc gia là bạn hàng lớn của ta như Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan… Đặc biệt, dù đã có những nỗ lực trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do nhưng để hiện thực hóa được những ưu đãi từ các khuôn khổ hội nhập thành những ưu đãi thực tế cho DN cần một thời gian tương đối dài.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc |
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT ngày 13/10/2015 về một số giải pháp tăng cường XK, kiểm soát NK trong 3 tháng cuối năm. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các Hiệp hội ngành hàng tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp là: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy XK; Đẩy mạnh phát triển thị trường XK; Tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA; Tăng cường công tác thuận lợi hóa thương mại; Tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Phải khẳng định, việc phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng XK 10% cho cả năm 2015 là khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành hàng và DN. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo dù thế nào cũng không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng, trong đó có XK. Do đó, trong những tháng cuối năm, các Hiệp hội, ngành hàng, DN phải làm sao phối hợp tốt hơn với với Bộ Công Thương để thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp lớn đã được đề ra trong Chỉ thị 16/CT-BCT, từ đó thúc đẩy XK, hoàn thành mục tiêu đã đề ra”.