Mới đây (ngày 2/7), Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có văn bản gửi thủ trưởng các sở ngành, địa phương về việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. (Ảnh: TTXVN). |
Trong đó, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo thay thế cán bộ có dư luận gây phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Đây là một động thái đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc giải quyết vấn nạn nhức nhối này.
Còn tại Hà Nội, ngày 4/7 vừa qua, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - Hà Minh Hải đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Hà Minh Hải tại kỳ họp. (Ảnh: Nhandan.vn). |
Cụ thể, liên quan đến nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư... Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố đang triển khai quyết liệt các giải pháp để tạo cơ chế, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp. Đặc biệt là thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn; đồng thời thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ.
Một trong số đó, Thành phố sẽ xử lý thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, không có tinh thần thái độ, tâm thế phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hai chỉ đạo của TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, hy vọng đây sẽ là bước ngoặt giúp cải thiện tình hình, tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc giải quyết công việc, thúc đẩy kinh tế phát triển...
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng việc chuyển đổi vị trí công tác đơn thuần chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Liệu việc thay đổi vị trí công tác có thực sự là liều thuốc hiệu quả cho bệnh “phiền hà, sách nhiễu”?...
Thực tế cho thấy, chuyển đổi vị trí công tác có thể mang lại hiệu quả nhất định, tạo điều kiện cho cán bộ làm quen với môi trường mới, giảm bớt áp lực và suy nghĩ tiêu cực.
Việc chỉ đạo các sở ngành, địa phương thay thế, chuyển đổi vị trí công tác với cán bộ, công chức, viên chức có dư luận gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và nhân dân tại hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước là một động thái mạnh mẽ, thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo chính quyền hai thành phố trong việc "lắng nghe và giải quyết những vấn đề của người dân".
Đây là một trong những yêu cầu cấp bách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, động thái này cũng góp phần củng cố niềm tin của người dân vào công tác cán bộ, tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân một cách tận tâm, hiệu quả.
Nhìn lại 10 năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhận thức ngày càng rõ hơn, thực hiện với quyết tâm ngày càng cao hơn, thể hiện qua số lượng vụ án được xử lý ngày càng nhiều, trên hầu hết lĩnh vực, ở tất cả địa phương. Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập...
Những kết quả nêu trên cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất mạnh mẽ và có “sức bật mới”, ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành một xu thế không thể đảo ngược, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cả nước.
Đội ngũ cán bộ, công chức là nòng cốt của bộ máy nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc xử lý kịp thời những cá nhân không đáp ứng yêu cầu sẽ tạo điều kiện cho những cán bộ năng lực, tâm huyết được cất nhắc, tạo động lực thúc đẩy tinh thần cầu tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu, cần có sự đồng lòng từ nhiều phía. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức. Hơn nữa, việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút và giữ chân những cán bộ có năng lực, tâm huyết cũng là một yếu tố quan trọng để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Những động thái của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là những minh chứng rõ ràng cho việc lãnh đạo, chính quyền các địa phương đang nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, cần sự đồng lòng, quyết tâm cao từ cả lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức. Sự thay đổi tích cực của bộ máy hành chính sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.