Myanmar đang khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực thủy sản
CôngThương - Mảnh đất “vàng”
Hiện nay, chính phủ Myanmar đang cải cách chính trị và cải cách kinh tế, mở cửa hội nhập quốc tế, đón nhận đầu tư nước ngoài. Kinh tế của Myanmar năm 2013 hứa hẹn sẽ khả quan hơn năm 2012 khi cơ chế vận hành, thể chế được hỗ trợ và triển khai hiệu quả hơn. Đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư nước ngoài vào năm 2012 nhằm khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Bên cạnh đó, Mỹ và các nước phương Tây đang tháo dỡ bao vây cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
Đây chính là điểm đến hấp dẫn, mảnh đất “vàng” của các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội thương mại và đầu tư.
Kể từ sau khi Myanmar thành lập chính phủ dân sự mới vào tháng 3/2011, kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar đã tăng mạnh mẽ. Việt Nam hiện đang là bạn hàng thương mại thứ 4 của Myanmar trong các nước ASEAN sau Thái Lan, Singapore và Malaysia và cũng là bạn hàng nhập khẩu thứ 11, bạn hàng xuất khẩu thứ 12 trong tổng số hơn 100 quốc gia và khu vực có quan hệ thương mại với Myanmar.
Hiện nay, Myanmar đang là "điểm nóng" trong thu hút đầu tư từ bên ngoài. Vì vậy, trước luồng đầu tư lớn từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nga và các nước phương Tây thì Việt Nam phải nhanh chóng thâm nhập thị trường Myanmar để tận dụng được ưu thế "người đi trước".
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp đã, đang đầu tư và bước đầu gặt hái thành công tại thị trường Myanmar đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dầu khí, khai mỏ, cơ khí, dệt may, giày dép, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… Riêng về hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam đều biết rất rõ thị hiếu của khách hàng Myanmar qua 5 cuộc hội chợ làm thương mại Việt Nam trong 4 năm qua tại Yangon. Hàng hóa “made in Vietnam” từ loại bình dân đến cao cấp đều được nhân dân Myanmar ưa chuộng, cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc.
Ủy ban kinh tế hỗn hợp hai nước đặt mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch nhập khẩu song phương đạt 500 triệu USD và đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar đạt 1 tỷ USD. Điều này sẽ là động lực để hoạt động xúc tiến kinh doanh và đầu tư giữa hai nước tăng mạnh trong thời gian tới. |
Về đầu tư, đến thời điểm này Việt Nam đã cấp phép 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đầu tư khoảng 460 triệu USD. Theo kế hoạch, thời gian tới còn một số dự án quan trọng sẽ được nghiên cứu và đàm phán với phía Myanmar như dự án mở đường bay quốc tế và nội địa của Vietnam Airline, dự án mở ngân hàng của BIDV, dự án đầu tư mạng viễn thông của Viettel… Nếu những dự án này được triển khai thực hiện thì hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tuy vậy, "phía các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như nắm bắt được tập quán kinh doanh của Myanmar, đặc biệt là luật đầu tư mới của Myanmar. "- ông Vũ Văn Chung- Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)- nhận xét.
Mặc dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới Myanmar kinh doanh, đầu tư, nhưng theo ông Chu Công Phùng- nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar- những doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp thuộc ngành hàng không, dầu khí, ngân hàng) tới thị trường Myanmar tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như đã có đầu tư tại Myanmar chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn thiếu vắng hình ảnh những tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam cho dù phía Myanmar đưa ra khá nhiều lĩnh vực ưu đãi đầu tư mà nhiều "quả đấm thép" của Việt Nam có ưu thế.
Nhưng đầy thách thức
Thị trường Myanmar tuy tiềm năng nhưng rất khó thâm nhập. Theo ông Phùng, không nên quá lạc quan cho rằng, bất cứ lĩnh vực kinh tế nào của Myanmar cũng hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp nước ngoài. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu, khảo sát và tự giải đáp.
Bởi hiện nay, Myanmar vẫn quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính, cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, quan liêu. Đặc biệt, khó khăn đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia đầu tư tại thị trường này là ở đây chưa có ngân hàng nước ngoài hoạt động, thiếu ngoại tệ trầm trọng, chủ yếu thanh toán qua ngân hàng Singapore.
Cơ chế quản lý xuất nhập khẩu của Myanmar còn nhiều thủ tục hành chính; thủ tục đầu tư nước ngoài, mở văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Myanmar còn chậm và phiền phức…
Ông Hoàng Thịnh Lâm- Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar, Vụ phó Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương- khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường Myanmar trước khi thâm nhập và lộ trình thâm nhập nên tiến hành theo 3 bước: kinh doanh xuất nhập khẩu; thành lập văn phòng đại diện và showroom; thành lập công ty liên doanh.