Tăng cường kiểm tra nước uống đóng chai |
Khó kiểm soát
Thống kê của Vinatas, trên thị trường hiện có 130 sản phẩm nước uống đóng chai của các doanh nghiệp có thương hiệu, có thể thống kê, giám sát được chất lượng. Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số lượng sản phẩm nước đóng chai không thể kiểm soát được của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Vinatas - cho biết, thực tế có rất nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP). Cụ thể, Vinatas đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện không ít trường hợp cơ sở sản xuất khi xuất trình hồ sơ chất lượng nước có hàng chục dấu đỏ bảo đảm ATTP. Nhưng khi tiến hành kiểm tra thì nguồn nước lấy từ giếng khoan đóng thẳng vào chai, thậm chí trên mặt đất xung quanh giếng lại chăn nuôi gia súc, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước giếng rất cao và chỉ được xử lý qua hệ thống sơ sài. “Nguồn nước bị ô nhiễm như vậy, chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu cơ sở này đóng cửa”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, tình trạng sản xuất, kinh doanh nước đóng chai giả, nhái nhãn mác, thông tin quảng cáo gây nhầm lẫn, giá cả không đi đôi với chất lượng, pha chế chất độc hại vào sản phẩm cũng diễn biến phức tạp.
Tại hội thảo, ông Hùng khẳng định, cơ quan chức năng đã từng phát hiện nước đóng chai nhiễm vi khuẩn coliform gây bệnh đường ruột, tiêu chảy của các nhãn hiệu Aquavenus, Bouwater, WaterHaru, Sakur. Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái đã phát hiện 6.000 lon nước uống tăng lực An Đô sử dụng đường Saccharin - loại đường không được phép sử dụng trong sản phẩm.
TS.Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế): Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34/2014/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP, kiểm soát thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai trên địa bàn. Sau các đợt kiểm tra, báo cáo định kỳ cho Cục ATTP để tổng hợp gửi Bộ Y tế. |
Tập trung quản lý chất lượng
Để bảo đảm sức khỏe NTD, theo Vinatas, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Đối với những cơ sở làm ăn gian dối, cần xử lý nghiêm và buộc bồi thường thỏa đáng khi gây thiệt hại cho NTD. “Khi phát hiện những trường hợp gian lận về sản phẩm, NTD cần chủ động phản ánh và hợp tác với cơ quan chức năng nhà nước và Hội Bảo vệ NTD từ trung ương đến địa phương để cùng đấu tranh” - ông Hùng nhấn mạnh.
Theo TS.Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) - các địa phương cần lập danh sách những cơ sở hoạt động sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, chủ động giám sát, lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn theo quy định nhằm phát hiện sớm tình trạng ô nhiễm sản phẩm; cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
Ông Phong khuyến cáo, NTD chỉ nên sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, nước tinh khiết đã được công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP.
Để thắt chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho đối tượng sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai trên địa bàn thực hiện đầy đủ các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.